ĐÓNG GÓP DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 VÀ LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Dự thảo đã cơ bản thể hiện trí tuệ, nguyện vọng nhân dân và thực tế cuộc sống

Cập nhật, 07:54, Thứ Tư, 13/03/2013 (GMT+7)

Vừa qua, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị triển khai lấy ý kiến của các hội thành viên và các tổ chức trực thuộc về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Với tâm huyết và trách nhiệm cao, các đại biểu đã đóng góp trên 100 ý kiến và cùng bàn luận sôi nổi tại hội nghị.

Ưu điểm nổi trội của dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là trong điều chỉnh có nêu rõ: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế (Điều 54). Điều này chi phối sự điều chỉnh rất nhiều về định hướng nền kinh tế. Từ đó, làm nền tảng thay đổi một số cơ chế và định hướng các hoạt động văn hóa, xã hội, quan hệ đối tác…


Ông Bùi Văn Lượm- Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh nhất trí cao với dự thảo.

Ông Bùi Văn Lượm- Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh nhấn mạnh: “Tôi nhất trí cao với dự thảo vì đã tập trung được trí tuệ, nguyện vọng và sự thể hiện thực tế cuộc sống với xu hướng hội nhập quốc tế của nhiều tầng lớp xã hội ở nước ta”.

Ông cũng cho rằng: “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước, theo tôi, nên nâng cao tính chuyên nghiệp của những người hoạt động trong cơ quan này, nên quy định từ 50% đại biểu trở lên là đại biểu chuyên trách để chuyên tâm lo lập pháp. Ngoài ra, nên thành lập Hội đồng Bảo hiến (Điều 120) vì Hội đồng Hiến pháp nặng về cơ quan tư vấn hơn là quyền bảo vệ Hiến pháp, xử lý các trường hợp vi hiến.

Ông cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: không thống nhất với ý kiến của một số đại biểu về đề nghị thay đổi tất cả nhóm cụm từ “mọi người” thành cụm từ “công dân” vì cơ quan soạn thảo đã rất chính xác trong việc dùng cụm từ “công dân” và “mọi người” trong các điều luật cụ thể, hợp lý. Điển hình là, không thể thay từ “công dân” cho “mọi người” ở Điều 21, Điều 46…

Chánh Văn phòng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh- Thạc sĩ Thái Văn Tào đề nghị: Hiến pháp nên có tên của từng điều. Phần “Lời nói đầu” nên rút gọn một số ý và những câu trùng lặp với các điều được quy định ở đoạn khác.


Chánh Văn phòng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật, Thạc sĩ Thái Văn Tào góp ý dự thảo Hiến pháp.

Theo ông, nên bổ sung Chương mở đầu và lấy tên là “Chủ thể Quốc gia”. Chương I, nên lấy tên là “Thể chế nhà nước” vì sẽ có nội hàm rộng hơn là “Chế độ chính trị”. Từ Điều 12 trở đi, nên rút gọn và viết cho đồng nhất các danh từ/cụm từ khi gắn với tên nước. Đồng thời, soạn thảo quy định về “Quyền con người, quyền công dân” cho thật gọn, dễ hiểu, dễ nhớ...

Chương II, Điều 42, ông cho rằng, nên xem xét bổ sung quy định: “Công dân được tự do chọn lựa lớp học, cấp học, ngành học và nơi học ở trong nước hoặc nước ngoài theo khả năng”. Vì có những tài năng- thần đồng không được tạo điều kiện học tập do “chưa đủ tuổi”, nhiều trường hợp bị chuyển ngành học, bị cấm học,...

Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Tào đề nghị ở Chương I, nên nhập Điều 23 và 24. Đồng thời, điều chỉnh tiêu đề là: “Cơ quan quản lý đất đai, tổ chức dịch vụ công về đất đai, cán bộ công chức làm nhiệm vụ quản lý đất đai”.

Chương V, Điều 50, cần xem xét điều chỉnh (hoặc làm rõ nghĩa) khoản 2, quy định việc giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc biệt để sử dụng vào mục đích khác.... phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Lý do ông đề nghị xem lại là vì có nhiều trường hợp người dân được giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc biệt. Sau thời gian canh tác, người dân cần ổn định nơi ở, cần xây văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất... phục vụ cho việc đầu tư mở rộng phát triển về kinh tế- xã hội thì việc chuyển 1 phần diện tích sử dụng vào mục đích khác phải xin ý kiến Thủ tướng là quá khó khăn, vất vả cho người dân.

Do đó, nên xác định hạn mức cụ thể và phân cấp huyện/tỉnh cho phép chuyển đổi. Bởi vì, mọi vụ việc chuyển đổi ở loại hình này đều phải trình Thủ tướng thì quá phức tạp. Trong khi đó, Chương X, Điều 126, khoản 2, điểm b quy định UBND huyện có quyền giao đất cho hộ gia đình.

Chương X, Điều 124, việc quy định hạn điền chưa được rõ ràng, cần cụ thể: Mỗi hộ gia đình, cá nhân được quyền sử dụng với diện tích là bao nhiêu?!...

Theo dự thảo, ở vùng đồng bằng, mỗi hộ được giao tối đa 5ha đất nông nghiệp và được giao thêm đất trồng cây lâu năm tại khu vực đồng bằng không quá 5ha, tại khu vực trung du miền núi 25ha và theo khoản 8 (Điều 124) thì các hộ gia đình sẽ được nhận không giới hạn và nếu có giới hạn thì chỉ khi nào chờ Chính phủ có quy định theo khoản 2 (Điều 125). Trong khi đó ở khoản 1 (Điều 125) có quy định.

Chương X, Điều 125, “1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 124 của luật này”.

Như vậy, mỗi hộ gia đình có thể được nhận 5ha theo hạn mức, nhận thêm tối đa 25ha đất trồng cây lâu năm ở trung du, miền núi (cộng 30ha- như khoản 4, Điều 124) và được nhận loại đất theo vùng như trên (theo khoản 1, Điều 125) lên đến 10 lần. Tức là, một hộ có thể nhận đến 300ha; trong đó, có 50ha đất đồng bằng và 250ha đất trung du.

Như vậy, hạn điền đã được Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rất rõ ràng, nhưng theo khoản 2 Điều 125 lại quy định: “2. Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ”.

Như vậy, khoản 2 (Điều 125) là thừa, hoặc nếu giao Chính phủ quy định thì vẫn phải quy định như luật, không thể khác hơn.

Có thể nói, qua một ngày làm việc, hầu hết, các ý kiến đều thể hiện mong muốn làm rõ và cụ thể hóa thêm những vấn đề cơ bản mà Hiến pháp và Luật Đất đai cần hoàn thiện để các văn bản pháp luật này đạt được yêu cầu cao về chất lượng, về tính khoa học, gắn với điều kiện Việt Nam và đặc biệt là thể hiện được mục tiêu “do dân, vì dân” và đảm bảo tính lâu dài.

Ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu thêm về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để có thêm những ý kiến thiết thực, góp phần khắc phục những mặt chưa hoàn chỉnh của dự thảo này.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI