Đồng bằng sông Cửu Long: Phập phồng lo cháy rừng

Cập nhật, 14:55, Thứ Tư, 13/03/2013 (GMT+7)

Các tỉnh ĐBSCL đang vào giai đoạn cao điểm phòng chống cháy rừng. Năm nay, mùa khô đến sớm cộng với nắng nóng gay gắt làm hàng chục ngàn hécta rừng ở ĐBSCL khô kiệt, nguy cơ cháy có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau nỗ lực chữa cháy rừng.

Khô hạn - tác nhân trực tiếp

Về Đồng Tháp Mười những ngày này nắng nóng như đổ lửa. Đi dọc các huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng (tỉnh Long An), chúng tôi chứng kiến nhiều cánh rừng tràm xơ xác, dây leo héo rũ, kênh mương kiệt nước… có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào.

Ông Võ Văn Lặn, chủ hơn 30ha rừng tràm ở xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa thở dài: “Nhiều ngày qua không có mưa, trong khi nắng nóng làm nước bốc hơi nhanh và rừng khô kiệt. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, tai họa ập đến, thiệt hại lớn sẽ khó tránh khỏi. Vì vậy, các chủ rừng buộc phải cắm trại bảo vệ trong suốt mùa khô”.

UBND xã Thuận Bình cho biết, trước và sau Tết Quý Tỵ 2013, đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền người dân cảnh giác phòng chống cháy rừng, bởi dự báo năm nay khô hạn gay gắt. Hiện 3.600ha rừng tràm của xã không còn nước, việc giữ rừng trở nên cấp bách.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An thông báo, toàn bộ 30.000ha rừng tràm của tỉnh đối mặt nguy cơ cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Sở đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, phối hợp cùng chính quyền địa phương, người dân… xem phòng chống cháy rừng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu suốt mùa khô.

Tại Kiên Giang, diện tích rừng rơi vào tầm ngắm của “bà hỏa” tăng từng ngày. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lo lắng, nếu như trước Tết Quý Tỵ, diện tích rừng có nguy cơ cháy chưa bao nhiêu, nay tăng lên chóng mặt.

Chỉ riêng huyện Hòn Đất có đến 8.000ha rừng thiếu nước, báo động cháy cấp 4. Gần 3.000ha rừng phòng hộ huyện An Biên và 1.500ha rừng thuộc Vườn quốc gia U Minh Thượng nguy cơ cháy cấp 3.

Đáng lo nhất là 1.500ha rừng ở huyện đảo Phú Quốc khô kiệt trầm trọng, báo động cháy cấp 4, cấp 5. Thông báo mới nhất của Chi cục Kiểm lâm An Giang, hơn 12.400ha rừng ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Châu Đốc… khô nghiêm trọng nhiều ngày.

Dọc các triền núi, nắng nóng dữ dội khiến nhiều cây rừng ngã màu, rụng lá và chỉ cần một tàn thuốc là có thể tạo nên ngọn lửa lớn. Vùng Bảy Núi - An Giang đang vào mùa lễ hội Vía Bà, kéo theo số lượng khách hành hương đến rất đông.

Trên các triền núi có nhiều cơ sở thờ tự, am cốc, miếu… nếu vô tình khi hút thuốc hoặc thắp hương không cẩn thận, hàng ngàn hécta rừng sẽ lâm nguy.

Tại Cà Mau, nếu vào đầu tháng 3-2013, toàn tỉnh có khoảng 24.000ha rừng khô kiệt, đến nay tăng lên 33.000ha; trong đó khoảng 17.000ha nguy cơ cháy cấp 4, cấp 5.

Dồn sức giữ rừng

Cục Kiểm lâm cảnh báo, tình trạng khô hạn tại nhiều cánh rừng ở Cà Mau, An Giang, Long An, Đồng Tháp… đang ở mức báo động đỏ, nếu cháy rừng xảy ra sẽ lây lan với tốc độ nhanh, để lại hậu quả lớn.

Tại Cà Mau, những ngày qua xảy ra 10 vụ cháy rừng, nhờ được phát hiện sớm nên diện tích thiệt hại không lớn. Điểm bất lợi năm nay là mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng kéo dài, gió mạnh, nhiệt độ cao… khiến nhiều diện tích rừng khô kiệt nhanh.

Dự báo, nếu tiếp tục nắng nóng gay gắt đến cuối tháng 3-2013 toàn bộ 41.000ha rừng tràm sẽ không còn nước. Để hạn chế xảy ra cháy rừng, ngoài việc bố trí lực lượng canh giữ nghiêm ngặt, các ngành chức năng Cà Mau yêu cầu những hộ dân sống xung quanh rừng ký cam kết không tự ý bắt ong, bắt cá… và có ý thức cùng bảo vệ rừng.

Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang nhìn nhận: “Tháng 3 và tháng 4 là cao điểm phòng chống cháy rừng. Toàn bộ lực lượng trực luôn thứ bảy, chủ nhật.

Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để mọi người hiểu và hợp tác giữ rừng bố trí đầy đủ trang thiết bị chữa cháy, lắp đặt hơn 700 bồn nước ở những nơi khô kiệt dọc các triền núi. So với 2 năm trước, năm nay phòng chống cháy rừng nặng nề hơn do thời tiết bất lợi”.

Để đảm bảo bình yên cho những cánh rừng, ngoài việc tăng cường bảo vệ, kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng chống vẫn chưa đủ; vấn đề cốt lõi là tạo điều kiện để người dân sống dưới tán rừng, xung quanh rừng sống được từ nghề rừng, xem rừng là nơi để mưu sinh, từ đó tự nguyện giữ rừng.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An trăn trở: “Chúng tôi rất đắn đo về hiệu quả của rừng tràm. Mục tiêu của tỉnh giữ từ 35.000ha tràm trở lên nhưng hiện tại giảm còn 30.000ha; bởi giá tràm lên xuống không ổn định. Có thời điểm giá tràm giảm còn 30 triệu đồng/ha, không lời nên dân đốn bỏ tràm.

Nay tăng lên 50 - 60 triệu đồng/ha, song hiệu quả không bằng cây lúa và các loại cây khác, do trồng tràm mất thời gian từ 5 - 7 năm mới thu hoạch. Vì vậy, nếu không có chính sách nâng cao đời sống cho người trồng rừng thì diện tích tràm tiếp tục giảm là khó tránh khỏi và việc giữ rừng cũng vất vả hơn”.

Theo sggp.org.vn