Cần “phương thuốc” mạnh cho cơn bão dịch bệnh!

Cập nhật, 07:14, Thứ Ba, 12/03/2013 (GMT+7)

Năm 2012 có thể gọi là năm “hội tụ” của nhiều sâu bệnh “lạ” và “nghiệt” đã bùng phát trên cây trồng ở khắp các tỉnh- thành ĐBSCL. Các nhà khoa học đã kịp thời vào cuộc ngăn chặn nhưng hiệu quả đem lại vẫn chưa như mong đợi.


Nhiều nhà khoa học đến vùng rốn khoai lang Bình Tân tìm sâu lạ đục khoai, nhưng đến nay vẫn chưa xác định loại sâu gì.

Hội chứng bệnh lạ

Đầu tiên, phải kể đến dịch bệnh chổi rồng hại nhãn. Tuy xuất hiện khá sớm ở Đông Nam Bộ nhưng trong năm qua tình hình dịch bệnh lây lan trầm trọng hơn, tràn xuống nhiều tỉnh, thành ĐBSCL gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vườn nhãn nơi đây.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, đến nay dịch chổi rồng đã lây lan ra 16 tỉnh, thành ở Đông Nam Bộ và ĐBSCL với 27.661/45.152,6ha nhãn bệnh. Trong đó có 7 tỉnh, thành ở ĐBSCL đã công bố dịch và đã có hơn 600ha nhãn phải đốn bỏ vì thất bát.

Vĩnh Long cũng không ngoại lệ, trong tổng số khoảng 10.000ha trồng nhãn thì có hơn 9.000ha nhiễm bệnh. Nếu tính riêng ở các vùng chuyên canh tập trung ở các xã cù lao trên sông Tiền và sông Hậu thuộc các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn thì diện tích nhãn bị chổi rồng tấn công lên đến trên 96%, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 30- 100%, năng suất sụt giảm từ 50- 70%.

2 huyện Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long) nhiều năm qua được xem là vựa khoai lang của ĐBSCL. Tuy nhiên, gần như suốt năm qua, ngoài nghẽn đầu ra, giá giảm mạnh, thì người trồng khoai còn đối mặt với một loại sâu lạ tấn công.
 
Chất lượng khoai tốt ở mức 400.000 đ/tạ (60kg) nhưng khi bị sâu đục lỗ thì bán được chỉ khoảng 15.000 đ/tạ. Khi chúng tôi đến vùng khoai lang đang mùa thu hoạch, chủ ruộng nào cũng ủ rũ. Không ít nhà khoa học đến tìm cách phòng trị nhưng vẫn chưa xác định là sâu gì. Nhiều nông dân gọi vui đó là “con sùng mạt”, bởi khoai thất bát nên không ít người lâm cảnh nợ nần.

Khốn đốn không kém, nhiều nông dân trồng bưởi năm nay mất tết, bởi chịu ảnh hưởng nặng nề của sâu đục trái. Tìm hiểu tại nhiều vườn ở xã Mỹ Hòa (Bình Minh- Vĩnh Long), dù thời điểm này giá bưởi đã hơn 15.000 đ/kg nhưng họ vẫn không vui vì sâu đục trái hoành hành thiệt hại từ 30- 40%.

2 xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành (Trà Ôn) được ghi nhận là nơi đầu tiên với 300ha bưởi Năm Roi bị sâu đục trái tấn công gây thiệt hại nặng. Còn tại huyện Bình Minh, sâu đục trái có mặt gần khắp 1.400ha bưởi, khiến sản lượng bưởi tết ước giảm khoảng 40- 50%.

Một vị đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng “mở ngoặc” nói thêm: “Ở địa phương hiện có hàng chục hecta xoài phải đốn bỏ do một loại sâu đục thân gây ra. Mặc dù đã can thiệp nhưng chưa mang lại hiệu quả”.

Cần “phương thuốc” mạnh hơn

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay Nhà nước đã chi khoảng 167 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương dập dịch chổi rồng hại nhãn. Nhưng theo nhận định của ông Võ Xuân Hồng- Cục Bảo vệ thực vật: “Công tác dập dịch vẫn còn chậm và chưa mang lại nhiều kết quả mong đợi”. Cụ thể, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL công bố dịch chổi rồng trên nhãn (14/9/2011) nhưng đến nay chỉ cắt tỉa và phun thuốc được chừng 50% diện tích.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh- Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp thừa nhận: “Việc thực hiện dập dịch chỉ mang tính khống chế, kết quả chưa đạt như mong đợi nên đã có khoảng 287ha nhãn ở địa phương đã đốn bỏ”. Còn tỉnh Vĩnh Long cũng có gần 168ha nhãn bị đốn bỏ chuyển sang trồng cây khác.

Để chống chọi với sâu đục trái bưởi, nhiều nông dân “tự cứu mình” thử nghiệm nhiều phương pháp dân gian để phòng trị nhưng đến nay vẫn hoài công vô ích.

Ông Võ Văn Lưỡng- nhà vườn trồng bưởi ở xã Lục Sĩ Thành cho biết, mỗi tháng ông xịt sâu 3- 4 lần và sử dụng nhiều thuốc trừ sâu pha trộn với nhau nhưng không có cách nào trị dứt điểm. Thậm chí ông đã treo lông não, xịt bột tỏi nhưng chỉ có hiệu quả trong thời gian đầu sau đó thì bị cắn phá nhiều hơn.

Hiện vẫn chưa thống kê hết diện tích bưởi bị thiệt hại nhưng theo ghi nhận của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam thì hầu hết các tỉnh đều có diện tích bưởi bị thiệt hại từ trung bình đến khá cao. Tuy nhiên, hiện ngoài hướng dẫn cách phòng trừ bệnh thì vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu với loại sâu này.

Vấn đề quan ngại hiện nay, là trong lúc các nhà khoa học chưa đưa ra biện pháp phòng trị hiệu quả thì dịch bệnh lây lan chiều hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thực tế sản xuất, chuyện nhiều loại sâu bệnh lạ bùng phát một phần do quy trình canh tác chưa phù hợp của nông dân.
 
Cụ thể, sâu lạ trên khoai lang được ghi nhận xuất hiện từ nhiều năm trước. Sở dĩ, trong năm qua bùng phát do gặp những điều kiện thuận lợi. Giá khoai hấp dẫn nên diện tích tăng đột biến. Thay vì, trồng luân canh vụ lúa- khoai thì nhiều nơi đã chuyển hẳn canh tác 2 vụ khoai trong năm; phá vỡ quy hoạch nên sự xuất hiện của dịch hại là khó tránh khỏi.


Sâu đục trái bưởi hoành hành khiến nhiều nhà vườn mất tết.

Đối với những cây trồng đã xác định được danh tính gây hại và có quy trình phòng trị cụ thể như nhãn chổi rồng thì nông dân không áp dụng tốt.
 
Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: Điều đáng lo ngại là người dân hiểu về loại bệnh này còn quá ít. Mặt khác, số nhà vườn mạnh dạn cắt bỏ cành bị bệnh để xử lý chưa nhiều. Trong khi không làm đồng bộ, không huy động sức mạnh cộng đồng thì khó tiêu diệt được mầm bệnh.

Riêng cây bưởi, các nhà chuyên môn đã khuyến cáo nông dân nên trồng theo tiêu chuẩn GAP, áp dụng biện pháp bao trái. Nhưng thực tế thì hầu hết nông dân e ngại tốn chi phí, nhân công nên không áp dụng.

Qua sự xuất hiện của các đối tượng dịch hại mới này cho thấy, hiệu quả việc liên kết trong sản xuất một lần nữa khẳng định. Tuy nhiên, trong thời điểm sâu bệnh lạ tấn công và diễn biến phức tạp như hiện nay thì người nông dân vẫn mong mỏi các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả giúp họ vượt qua những khó khăn.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG