Bảo tồn các môn thể thao truyền thống của dân tộc

Cập nhật, 07:26, Thứ Hai, 12/02/2024 (GMT+7)
Các em nhỏ vui chơi hoạt động thể thao mừng lễ Sel Dolta tại chùa Kỳ Son (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình).
Các em nhỏ vui chơi hoạt động thể thao mừng lễ Sel Dolta tại chùa Kỳ Son (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình).
Những năm gần đây, phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc tổ chức các giải đấu, hội thao vào dịp lễ, tết cổ truyền, ngày hội văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer luôn được quan tâm duy trì.
 
Không chỉ đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” mà còn góp phần khôi phục, bảo tồn các môn thể thao truyền thống của dân tộc.
 
Từ tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe…
 
Toàn tỉnh hiện có trên 22.600 người dân tộc Khmer (chiếm 2,21% dân số) sinh sống, tập trung chủ yếu ở TX Bình Minh và các huyện: Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn.
 
Nếu như trước đây bà con chủ yếu lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, thì nay đã quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe, thông qua việc tham gia các giải đấu phong trào do địa phương tổ chức.
 
Nhận thức của người dân về những lợi ích của việc tập luyện thể thao cũng được nâng lên từ đó. TDTT vì thế được xem là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.
 
Để phục vụ tốt nhu cầu trên, những năm qua, phong trào TDTT ở vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được chính quyền địa phương các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm đầu tư. Những hoạt động thể thao được duy trì tổ chức vào các dịp lễ hội như: Sel Dolta, Ok Om Bok, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, thu hút đông đảo người dân thuộc mọi lứa tuổi, thành phần tham gia.
 
Vui lễ Sel Dolta năm nay tại chùa Kỳ Son, em Thạch Hoàng Nhân (ngụ ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) cũng như nhiều bạn nhỏ khác còn được tham gia các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, kéo co...
 
Đây là hoạt động do Trung tâm Văn hóa- Thông tin- Thể thao huyện Tam Bình tổ chức hàng năm nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương. “Lễ hội năm nào con cũng được tham gia nhiều trò chơi. Ở đây có nhiều bạn và được chơi thỏa thích nên tụi con rất vui”- Nhân hào hứng chia sẻ.
 
Bên cạnh những trò chơi dân gian quen thuộc, các môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer như: đua ghe ngo, bi sắt, đẩy gậy, cờ ốc… cũng được một số địa phương trong tỉnh duy trì tổ chức hàng năm. Người dân không chỉ tự ý thức luyện tập để nâng cao sức khỏe mà còn có tinh thần tham gia sôi nổi các hoạt động thể thao trong những dịp lễ, hội và giải đấu phong trào.
Đồng bào dân tộc Khmer ở xã Loan Mỹ (Tam Bình) tham gia giải đua ghe ngo mừng lễ Ok Om Bok.
Đồng bào dân tộc Khmer ở xã Loan Mỹ (Tam Bình) tham gia giải đua ghe ngo mừng lễ Ok Om Bok.
 
Có được sự phát triển này là nhờ thời gian qua các địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là linh hoạt trong việc tổ chức nhiều hoạt động giao lưu TDTT để thu hút đông đảo người dân tham gia.
 
… đến khôi phục, bảo tồn các môn thể thao truyền thống
 
Thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa phương trong tỉnh đã đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT của người dân.
 
Mặt khác, để đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Sở Văn hóa-TT-DL đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tập luyện, thi đấu thể thao và đã tạo sự lan tỏa rộng rãi trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.
 
Việc thường xuyên tổ chức thi đấu lồng ghép những bộ môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer trong các dịp lễ hội, tết cổ truyền, ngày hội văn hóa không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho người dân còn tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc.
 
Tết Quân dân năm 2023 được tổ chức tại xã Tân Mỹ (Trà Ôn)- địa phương có khoảng 42% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Do đó, tỉnh đã linh hoạt tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao đồng bào Khmer lồng ghép với sự kiện này để phục vụ đời sống tinh thần của bà con.
Ngành chuyên môn bàn giao sân bi sắt và hướng dẫn kỹ thuật chơi môn thể thao này tại chùa Cũ (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn).
Ngành chuyên môn bàn giao sân bi sắt và hướng dẫn kỹ thuật chơi môn thể thao này tại chùa Cũ (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn).
Trong khuôn khổ ngày hội, Sở Văn hóa-TT-DL đã tổ chức hội thao với nhiều môn thi đấu như: bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, cờ ốc, kéo co và các trò chơi dân gian, thu hút hơn 200 VĐV tại địa phương, TX Bình Minh và các huyện: Tam Bình, Vũng Liêm tham gia. Dù hội thao chỉ diễn ra 2 ngày nhưng đã tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi và gắn kết.
 
Theo bà Thạch Thị Thúy Liễu- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Học tập cộng đồng xã Tân Mỹ (Trà Ôn), thời gian qua, phong trào TDTT trong đồng bào Khmer ở địa phương khá sôi nổi, các CLB duy trì hoạt động thường xuyên.
 
Không những vậy, người dân còn tích cực tham gia các hoạt động thể thao nhân dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc. Qua đó, giúp địa phương xác định các môn thể thao thế mạnh, phát hiện những VĐV triển vọng để bồi dưỡng, tạo điều kiện tham gia các giải đấu.
 
“Ngoài những môn thể thao phổ biến như bóng đá, bóng chuyền, địa phương đang duy trì phát triển các môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer như đẩy gậy, cờ ốc, đua ghe ngo,… Những năm qua, xã cũng đã cử nhiều VĐV tham gia các giải đấu của huyện và tỉnh”- bà Thạch Thị Thúy Liễu cho biết thêm.
Các VĐV tranh tài môn đẩy gậy trong Ngày hội Văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh tổ chức tại xã Tân Mỹ (Trà Ôn).
Các VĐV tranh tài môn đẩy gậy trong Ngày hội Văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh tổ chức tại xã Tân Mỹ (Trà Ôn).
 
Theo Sở Văn hóa-TT-DL, để thúc đẩy phong trào TDTT vùng đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh đã đầu tư phát triển một số môn thể thao truyền thống. Đặc biệt trong đó đối với môn bi sắt, tỉnh đã xây dựng Đề án “Phát triển môn bi sắt trong chùa đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2020-2025”.
 
Theo đó, đã đầu tư xây dựng và bàn giao các sân tập, hướng dẫn kỹ thuật chơi bộ môn này. Bên cạnh đó, ngành cũng quan tâm khôi phục lại môn cờ ốc qua việc mở các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác TDTT ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Cờ ốc- môn thể thao mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ đang được tỉnh bảo tồn và phát triển.
Cờ ốc- môn thể thao mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ đang được tỉnh bảo tồn và phát triển.
 
“Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục rà soát để có kế hoạch hỗ trợ chuyên môn thi đấu, khôi phục, bảo tồn các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer”- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL Huỳnh Trung Toàn, cho biết.
 
Mong rằng, với sự quan tâm đầu tư dành cho phong trào TDTT vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần của bà con sẽ được đáp ứng ngày một tốt hơn, góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các địa phương.
 
 
Bài, ảnh: PHẠM PHONG