Bạn trẻ giữ hồn Tết Việt

Cập nhật, 06:59, Thứ Hai, 23/01/2023 (GMT+7)
Bạn trẻ duyên dáng trong trang phục áo dài du xuân.
Bạn trẻ duyên dáng trong trang phục áo dài du xuân.

(VLO) Mỗi năm Tết đến Xuân về, bạn trẻ lại được tìm về với những nét đẹp truyền thống quý giá. Đó là những giây phút sum họp bên bữa cơm tất niên gia đình, là thời khắc thiêng liêng cùng người thân đón giao thừa, là ngày đầu tiên của năm mới tụ họp chúc Tết ông bà rồi được nhận lì xì…

Những nét đẹp ngày xuân ấy tuy giản dị nhưng thân thương, nên dẫu qua tháng năm vẫn luôn được các bạn trẻ trân trọng, giữ gìn.

Đón xuân mới tươi vui

Tết là khoảng thời gian để gia đình sum vầy bên nhau, cùng chuẩn bị vui xuân mới. Chính vì thế mà hầu như năm nào, chị Nguyễn Thị Hồng Thi (xã Tân Thành, huyện Bình Tân) cũng lên kế hoạch cùng gia đình đón Tết.

Ngay từ rằm tháng 10 âm lịch, chị đã bắt đầu trồng hoa vạn thọ cho vui cửa vui nhà, rằm tháng Chạp thì lặt lá mai. Những ngày cận Tết, chị dọn dẹp, đi chợ sắm sửa vật liệu để trang trí nhà cửa. Chị còn tự tay làm phong pháo đỏ rực. Đặc biệt là khắc dưa chưng Tết, với dòng chữ “Tài”, “Lộc” rất bắt mắt…

Chị Diễm Trinh còn khắc chữ lên trái dừa để chưng Tết.
Chị Diễm Trinh còn khắc chữ lên trái dừa để chưng Tết.

Chị phấn khởi nói: “Phong pháo mình treo trước cửa. Còn dưa sẽ chưng trên bàn thờ tổ tiên với mâm ngũ quả, hoa cúc và cát tường. Phòng khách thì bày biện chậu hoa mai, vạn thọ và có cả bánh mứt nhà làm… Tết cổ truyền chỉ như thế nhà cũng bừng sáng, hương xuân ngập tràn rồi”.

Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt để mọi người quây quần bên gia đình, thắt chặt tình thân và cảm nhận những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông. Vì vậy, dù sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng năm nào gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Diễm Trinh cũng về quê Vĩnh Long đón Tết.

Những ngày này, chị phụ mẹ làm mứt dừa, kẹo chuối, kẹo gừng. Chị còn xắn tay vào bếp làm món thịt kho rệu, dưa kiệu, khổ qua hầm…

Theo chị, cuộc sống tiện lợi, những món ăn ngày Tết đôi khi cũng có thể tìm thấy ở siêu thị, các trang thương mại điện tử. Nhưng chị vẫn thích việc tự tay vào bếp làm những món ăn truyền thống chiêu đãi người nhà. Bởi hương vị Tết quê hương sẽ trọn vẹn khi được chế biến từ tình thân.

“Mình vẫn thích nhất cảm giác được quây quần bên mâm cơm gia đình, nói chuyện vui của cả một năm. Rồi đêm giao thừa, cả nhà xúm xít cùng thức đón thời khắc thiêng liêng năm mới… Tết sum họp bên người thân thật là đầm ấm, hạnh phúc biết bao” - chị chia sẻ.

Niềm vui của hai chị em Như Ý và Như Ngọc khi trang trí nhà cửa đón năm mới.
Niềm vui của hai chị em Như Ý và Như Ngọc khi trang trí nhà cửa đón năm mới.

Linh hồn của Tết nằm ở sự đoàn tụ ấm áp, nên vào những ngày cuối năm, hai chị em Như Ý và Như Ngọc (xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình) luôn sắp xếp công việc thật sớm để có thể tân trang nhà cửa một cách chỉn chu nhất. Trong phòng khách rộn tiếng nhạc xuân, hai chị em cắm hoa, chưng mâm ngũ quả để bàn thờ gia tiên.

Kế đến là dùng hộp, giấy màu gói bánh chưng, bánh tét, cắt hoa văn trang trí. Ấn tượng hơn, họ còn tự tay viết câu đối thư pháp và thiết kế không gian riêng để chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm những ngày xuân… Chẳng bao lâu, không khí xuân ngập tràn trong ngôi nhà xinh xắn của hai bạn trẻ.

Như Ý cười tươi: “Tết nằm ở giá trị tinh thần là ước mong đoàn viên, niềm hân hoan và hy vọng năm mới. Ngày Tết trọn vẹn khi được tận hưởng những giây phút giản đơn nhưng ấm áp bên cạnh gia đình và người thân”.

Giữ mãi nét đẹp ngày Tết

Tết là dịp tốt lành để người Việt nhắc nhở và tôn vinh những giá trị truyền thống. Vì thế mà năm nào cũng vậy, bạn Lê Hoàng Quyên (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) cũng dành riêng thời gian “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” để chúc Tết ông bà, người thân, thầy cô, bạn bè một năm mới an khang, thịnh vượng.

Hoàng Quyên cho hay, từ lúc hiểu chuyện đến giờ là em nhớ Tết nào cũng được cha mẹ dắt đi chúc Tết ông bà. Mẹ dạy, sang năm mới đi chúc Tết ông bà là điều đầu tiên, vì như thế thể hiện tình cảm gia đình, tỏ lòng hiếu thảo, kính trọng ông bà.

“Nhớ hồi nhỏ, mỗi khi đi chúc Tết, mẹ hay bảo em khi gặp ông bà, người lớn phải lễ phép chào hỏi, nói chuyện phải “dạ thưa” và không được… vòi tiền lì xì… Lời dạy ấy em luôn nhớ và làm theo cho đến hôm nay”- Hoàng Quyên chia sẻ.

Không thể phủ nhận trong nhịp sống hối hả ngày nay, người ta dễ lãng quên đi những giá trị xưa cũ. Song, vẫn còn không ít người trẻ vẫn giữ hồn Tết Việt với những giá trị văn hóa truyền thống quý báu.

Như chị Lê Diễm Hằng (Phường 9, TP Vĩnh Long) mỗi khi Tết đến Xuân về đều cùng gia đình viếng mộ tổ tiên, đi chùa hái lộc cầu bình an. Chị cho hay, ngày đầu tiên của năm mới, chị và cô con gái nhỏ hay mặc áo dài để cùng người thân đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh viếng ông ngoại. Sau khi thắp hương, mọi người cùng nhau đến chúc Tết bà ngoại.

Chị vui vẻ nói: “Nhà mình vẫn có truyền thống cả nhà mặc áo dài thật đẹp đến chúc Tết ông bà. Sau đó, cùng quây quần chụp ảnh, lưu giữ lại những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình. Những bộ áo dài thướt tha, sắc màu rực rỡ khiến cho không khí Tết càng rộn ràng hơn”.

Kiều Trâm “cho chữ” với mong muốn gửi gắm bao điều tốt đẹp đến mọi người vào dịp đầu năm.
Kiều Trâm “cho chữ” với mong muốn gửi gắm bao điều tốt đẹp đến mọi người vào dịp đầu năm.

Với bạn Võ Thị Kiều Trâm (phường Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) thì lại sắm vai “cô đồ” với áo dài cùng bút nghiên, giấy mực để cho chữ ngày xuân. Theo Kiều Trâm thì vào dịp đầu năm mọi người thường xin chữ về treo, mong gia đạo an lành.

Và thư pháp với nét đẹp “cho chữ - xin chữ” trở thành nét văn hóa độc đáo của Tết xưa. Vì vậy, cô nàng 9X luôn muốn lưu giữ và phát huy nét đẹp này.

Kiều Trâm cho hay, khách đến xin chữ rất đa dạng độ tuổi và hầu hết xin chữ lên giấy hoặc bao lì xì để làm quà tặng. Bên cạnh những chữ được viết nhiều nhất như: bình an, thịnh vượng, hạnh phúc; Kiều Trâm còn viết các câu đối “Phúc sinh phú quý gia đình thịnh - Lộc tấn vinh hoa tử tôn hưng”, “Gia đình vạn sự bình yên - Tài vô lộc đến phúc duyên tràn đầy”…

“Mỗi câu, mỗi chữ thư pháp đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó cũng là mong muốn của em gửi gắm bao điều tốt đẹp đến mọi người vào dịp đầu năm. Mong cho mọi gia đình đều được bình an, như ý, cát tường, mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Với em, được cho chữ vào ngày xuân chính là niềm hạnh phúc”- Kiều Trâm bày tỏ.

Giữ mãi hồn Tết Việt, bạn trẻ đã góp phần phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, truyền lửa ấm cho mọi người về tình yêu quê hương, đất nước, để thêm tự hào về những phong tục, nét đẹp Tết xưa. 

Bài, ảnh: TUỆ LÂM