Hãy sử dụng Facebook văn minh!

Cập nhật, 10:42, Thứ Tư, 16/11/2016 (GMT+7)

Vừa qua, Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Vĩnh Long phối hợp với Sở GD- ĐT tổ chức hội thảo về vấn đề “Facebook và sống ảo trong học sinh- thực trạng và giải pháp”.

Đây là vấn đề nóng đang được các nhà quản lý giáo dục quan tâm hiện nay, bởi nó có tác động lớn đến tâm lý và việc học tập của học sinh. Câu hỏi được đặt ra là, giải pháp nào để sử dụng Facebook hiệu quả nhất?

Facebook không có tội

Facebook còn là nơi bạn trẻ thể hiện tình cảm và kêu gọi mọi người sống đẹp.
Facebook còn là nơi bạn trẻ thể hiện tình cảm và kêu gọi mọi người sống đẹp.

Theo một thống kê gần đây, Việt Nam là 1 trong 10 nước có người dùng truy cập mạng xã hội Facebook nhiều nhất thế giới.

Cô Nguyễn Thị Thu Ngân- giáo viên Trường THPT Trà Ôn cho rằng: Facebook là món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ cũng như nhiều người hiện nay. “Với tôi, Facebook là nơi lưu giữ hình ảnh với người thân, bạn bè”- cô Ngân nói.

Trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã và đang phát huy sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến cuộc sống. Là giáo viên thuộc tổ tư vấn tâm lý của trường, cô Ngân gặp nhiều và nghe nhiều những cái lợi và hại từ Facebook.

“Một học sinh lớp 11 chia sẻ: “Em tạo lập nhóm trên Facebook để trao đổi với nhau trong vấn đề học tập” và đây là một học sinh giỏi của trường chúng tôi”- cô Ngân cho biết.

Tuy nhiên, không ít học sinh lại dùng phần lớn thời gian trong ngày để lên Facebook. Mỗi khi đi đâu, làm gì hay trước khi ăn uống gì các em cũng chụp ảnh đăng lên Facebook.

Sau đó, hồi hộp chờ đợi cộng đồng mạng bấm “like” (thích), “comment” (bình luận). Một học sinh chia sẻ với cô Ngân, mỗi ngày em dành khoảng 10 giờ lên Facebook mà không biết chán.

Học sinh này khi học rất lơ là và đương nhiên kết quả học tập không cao. Cô Ngân nói: “Thông điệp mà tôi muốn truyền tải đến giới trẻ là “Hãy sử dụng mạng xã hội như những người văn minh!”

Giáo viên Nguyễn Hoàng Yến- Trường THPT Vĩnh Long: “Tôi biết có những em vì lên Facebook đăng những “status” bâng quơ dễ gây hiểu nhầm kiểu như “có những con người sống kỳ cục thật không đáng để mình bận tâm”. Ngay lập tức, nhiều người cảm thấy nhột vì “chắc nó nói mình”. Vậy là Facebook vô tình gây đổ vỡ các mối quan hệ.

Và theo một thống kê “bỏ túi” của cô thì: 90% học sinh sử dụng Facebook đều bị gạt từ nhẹ đến nặng, nhiều nhất là mua hàng kém chất lượng trên mạng.

Thầy Nguyễn Phương Bình- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) cho rằng: “Đối với các em học sinh thì số “like” trên Facebook tỷ lệ thuận với cảm xúc. Quá chú tâm vào Facebook cũng làm các em xao lãng cuộc sống hiện tại.

Cả nhóm bạn ngồi uống nước nhưng không nói chuyện với nhau mà mỗi người chỉ chú tâm vào điện thoại là chuyện thường thấy”.

Bản thân Facebook không có tội, có chăng là người sử dụng nó sai mục đích làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và những người xung quanh.

Hướng học sinh theo hướng tích cực

Tăng cường các hoạt động thực tế, ý nghĩa giúp học sinh không bị ảnh hưởng bởi thế giới ảo.
Tăng cường các hoạt động thực tế, ý nghĩa giúp học sinh không bị ảnh hưởng bởi thế giới ảo.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà Facebook mang lại cho chúng ta. Giáo viên Nguyễn Hoàng Yến- Trường THPT Vĩnh Long cho rằng: “Facebook giúp học sinh tự do thể hiện cá tính, khuyến khích các bạn trẻ thể hiện bản thân mình từ đó có thể thực hiện vài dự án xã hội nho nhỏ hay kinh doanh”.

Đối với việc học, trước đây, khi có chuyện đột xuất cán bộ lớp phải nhắn tin, gọi điện tới từng thành viên thì nay chỉ cần vài thao tác đơn giản là hầu như 100% các bạn đều biết.

Theo thống kê có 38/42 lớp học của trường THPT Vĩnh Long đều có “group” riêng trên Facebook. Cha mẹ và con cái cũng có thể nhắn tin, gọi điện miễn phí thông qua Facebook.

Đối với thầy Đào Chí Minh- giáo viên Trường THPT Vĩnh Long đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách tạo tài khoản và liên kết nhóm, hướng dẫn học sinh học tập nghiên cứu trên Facebook: “Tôi gửi tin nhắn cho nhóm có thể là thời khóa biểu, lịch làm việc, phiếu bài tập, câu hỏi thảo luận, tên chuyên đề,… Việc học tập trên Facebook lôi kéo những học sinh rụt rè cũng bày tỏ chính kiến.

Ngoài ra, tôi còn chia sẻ bản đồ tư duy cách làm bài văn nghị luận xã hội qua Facebook”. Thầy Minh cũng đặt ra yêu cầu cho học sinh khi sử dụng Facebook không được đăng tải lời đe dọa, tài liệu mang tính phân biệt chủng tộc hay phỉ báng; luôn tham gia thảo luận với tinh thần tôn trọng, không nói xấu bạn học.

Nói về việc hạn chế những tiêu cực do Facebook mang lại, thầy Nguyễn Phương Bình cho rằng: Khi đang làm việc hay học tập thì tránh để điện thoại trong tầm tay, thay thế thời gian lên Facebook bằng các hình thức giải trí khác như đọc sách, đi dạo, thể thao, hạn chế kết bạn trên Facebook.

Giáo viên chủ nhiệm kết bạn với học sinh và phụ huynh để tiện liên lạc, tăng tương tác thầy trò, khuyến khích học sinh mở nhóm trong Facebook để trao đổi kinh nghiệm học tập.

Giáo viên Nguyễn Ngọc Hoàng Điều- Trường THPT Nguyễn Thông cho biết: Trường ban hành quy tắc ứng xử trong học sinh, trong đó, Điều 17 đề cập đến việc ứng xử của học sinh trên Facebook và các trang mạng xã hội: “Không đưa hình ảnh phản cảm, bình luận thô tục; không đưa thông tin của nhà trường lên mạng xã hội khi không được sự đồng ý của hiệu trưởng”.

Các giáo viên đều khẳng định những tác dụng tích cực từ Facebook và sức ảnh hưởng của nó đến việc học tập cũng như tâm lý học sinh. Từ đó, giáo viên tận dụng Facebook như công cụ để nâng cao chất lượng dạy học và hướng học sinh theo tính tích cực đó.

Thầy Bùi Huy Nguyên- Hội Khoa học tâm lý- Giáo dục Vĩnh Long đã có một cuộc khảo sát trên 384 học sinh ở 7 trường THCS, THPT trong tỉnh Vĩnh Long về vấn đề sử dụng mạng xã hội. Khối THCS có 84% học sinh có tài khoản trên mạng xã hội, tỷ lệ này ở khối THPT là 98,5%. Trong đó, khoảng 42% học sinh THPT có 3 tài khoản trở lên trên các trang mạng xã hội và hơn 38% truy cập mạng xã hội hơn 5 lần trong ngày.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN