Tiếp thêm động lực cho thanh niên khởi nghiệp

Cập nhật, 13:56, Thứ Năm, 10/11/2022 (GMT+7)

 

Trao vốn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp.
Trao vốn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp.

Thời gian qua, tuổi trẻ tỉnh nhà luôn nhận được sự đồng hành, tạo điều kiện trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện về khởi nghiệp cùng với những trăn trở trên con đường tạo nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cộng đồng vẫn luôn là vấn đề được các bạn trẻ quan tâm hàng đầu.

Cùng thanh niên khởi nghiệp

Tiếp sức cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp, năm 2017, Huyện Đoàn Mang Thít đã vận động xã hội hóa thành lập “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”. Theo anh Trần Hải Đăng - Bí thư Huyện Đoàn Mang Thít, với nguồn vốn 1 tỷ đồng, những năm qua, Huyện Đoàn đã hỗ trợ xoay vòng cho gần 80 ĐVTN tại các địa phương có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tùy theo mô hình mà mức hỗ trợ từ 12 - 20 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ này cùng với tinh thần nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, các bạn trẻ đã phát huy tinh thần chủ động, vươn lên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp.

Điển hình như anh Phan Thanh Phong (xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít), nhờ hỗ trợ vốn vay để khởi nghiệp mà nay kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Anh Phong cho hay, lúc quyết định nghỉ việc ở TP Hồ Chí Minh về quê khởi nghiệp, anh được tổ chức Đoàn hỗ trợ vốn 20 triệu đồng. Lúc đầu, anh nuôi thử 2 con bò thịt. Qua thời gian thấy có lời, anh mua thêm con giống nuôi bò sinh sản. Nhận thấy heo rừng cũng được thị trường ưa chuộng, anh cũng mạnh dạn đầu tư. Hiện tại, với mô hình nuôi bò với heo rừng, anh thu về trên 150 triệu đồng/năm…

Thời gian qua, chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ trong tuổi trẻ tỉnh nhà. Ở các địa phương, tùy theo điều kiện mà tổ chức Đoàn có những cách làm thiết thực. Tiêu biểu như Huyện Đoàn Long Hồ hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp cho 13 dự án trong thanh niên, với tổng số vốn 1 tỷ đồng; Huyện Đoàn Vũng Liêm xây dựng “Quỹ khởi nghiệp, lập nghiệp” với nguồn vốn 70 triệu đồng; Thành Đoàn Vĩnh Long duy trì hoạt động có hiệu quả 2 CLB thanh niên khởi nghiệp cấp thành phố, 13 CLB thanh niên làm kinh tế với trên 300 thành viên và phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ ĐVTN xúc tiến, quảng bá sản phẩm ra thị trường, góp vốn xoay vòng hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp…

Trong khi đó, Xã Đoàn Thiện Mỹ (Trà Ôn) đã phối hợp cùng các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng cho ĐVTN những mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế… Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên hiệu quả như: mô hình trồng nhãn ido của anh Phan Văn Đô (ấp Đục Dông), với lợi nhuận 600 triệu đồng/năm; mô hình VAC của anh Lê Văn Vàng (ấp Đục Dông), nuôi bò của anh Đặng Văn Hiệp (ấp Mỹ Phó)…

Tạo môi trường thuận lợi

Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, từ năm 2017 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hơn 7.800 hộ vay, với dư nợ trên 237 tỷ đồng. Bên cạnh đó, duy trì hơn 240 CLB thanh niên làm kinh tế, với gần 7.800 thành viên; vận động hỗ trợ được trên 420 ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng…

5 năm qua, đã có không ít ĐVTN khởi nghiệp gặt hái được “quả ngọt” với các mô hình hiệu quả như: trồng mai vàng, nuôi lươn không bùn ở xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ), mãng cầu xiêm ở xã Thuận An (TX Bình Minh), nuôi dê ở xã Hòa Hiệp (huyện Tam Bình)… Khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ không chỉ khẳng định được bản thân, làm giàu cho gia đình mà còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Có thể thấy, thời gian qua, thông qua các hoạt động đồng hành của tổ chức Đoàn, ĐVTN không chỉ được hỗ trợ vốn mà còn được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như có thêm định hướng trong quá trình khởi nghiệp. Qua các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, huyện với ĐVTN, những vấn đề về vốn, cơ chế, chính sách cho thanh niên khởi nghiệp đã được giải đáp, trợ lực… Song thực tế, con đường khởi nghiệp ĐVTN vẫn còn không ít những khó khăn và cả những băn khoăn.

Nhờ nguồn “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Huyện Đoàn Mang Thít mà đoàn viên, thanh niên địa phương có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
Nhờ nguồn “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Huyện Đoàn Mang Thít mà đoàn viên, thanh niên địa phương có thêm điều kiện phát triển kinh tế.

Là một trong những người trẻ tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp tỉnh nhà, anh Nguyễn Trọng Nghĩa (TX Bình Minh) cho rằng, trăn trở hiện nay vẫn là vấn đề tiếp cận các nguồn vốn. Anh mong muốn tỉnh xem xét, tạo cơ chế phù hợp, ưu đãi để những người khởi nghiệp gặp khó được tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình khởi nghiệp, ngoài đối diện với việc thiếu nguồn vốn, ĐVTN còn gặp khó trong việc xác định đường hướng, các mối quan hệ kinh doanh, càng khó khăn hơn khi đứng trước những thách thức không ngừng và bất ngờ như đại dịch vừa qua… Chính vì thế, “người trẻ khởi nghiệp chúng em rất cần sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức Đoàn, các ngành và địa phương, nhất là hỗ trợ về đăng ký bản quyền sản phẩm, xây dựng thương hiệu” - bạn Trần Văn Ý, sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cho biết.

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên mới đây, ông Nguyễn Khắc Nhu - Phó Giám đốc Sở KH - ĐT cho biết: Thời gian tới, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh mở rộng nguồn vốn vay cũng như tạo điều kiện để thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn...

Theo Tỉnh Đoàn Vĩnh Long, xác định “Đồng hành với thanh niên lập nghiệp khởi nghiệp” là một trong những chương trình trọng tâm, nhiệm kỳ 2022 - 2027 này, tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục xây dựng, tạo môi trường, chăm lo, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Cụ thể, truyền thông, kết nối, tư vấn, hướng dẫn thanh niên; tập trung triển khai hiệu quả kết nối các mô hình, giải pháp, sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tới doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh, duy trì hiệu quả “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”; nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, đặc biệt là sáng tạo khởi nghiệp thành công.

Cùng với đó, tham mưu chính sách, pháp luật hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp như: tích cực chủ động nghiên cứu, đề xuất với các ngành, các cấp để xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ vay vốn cho thanh niên làm kinh tế…

Bài, ảnh: CẨM HUỆ