Long Hồ: Thêm địa chỉ đỏ giáo dục tuổi trẻ

Cập nhật, 11:27, Thứ Tư, 07/09/2022 (GMT+7)

Theo Đường huyện 23 về xã Thạnh Quới (Long Hồ) thường nghe người dân nhắc đến cái tên “Cây Sao”. Gắn bó với vùng đất này như một chứng nhân lịch sử, “Cây Sao” được dùng đặt tên cho dòng kinh và cây cầu bắc ngang. Di tích Bia truyền thống cách mạng Cây Sao hôm nay là một địa chỉ đỏ ghi dấu chiến công vẻ vang của Tiểu đoàn 857 và quân dân xã Thạnh Quới.

Di tích là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Di tích là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Chiến công của Tiểu đoàn 857 và quân dân Thạnh Quới

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Thạnh Quới là địa bàn nằm ven con đường chiến lược Vĩnh Long- Cần Thơ, giáp vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Sa Đéc và tỉnh Vĩnh Long.

Xã Thạnh Quới giữ vị trí đầu cầu trên con đường giao liên qua lại Quốc lộ 4 giữa 2 vùng căn cứ của Tỉnh ủy, là 1 nút quan trọng trên con đường giao liên giữa tỉnh và các khu, giữa Khu 8 và Khu 9.

Xã Thạnh Quới còn là địa bàn tiếp cận phía Tây TX Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long), là nơi địch có sân bay, kho tàng, nhiều căn cứ quân sự quan trọng. Địa bàn này được xem là vùng đệm, trong 2 cuộc kháng chiến xảy ra tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.

Trong 2 cuộc kháng chiến, Nhân dân ta đã bám trụ kiên cường chống giặc, lập được nhiều chiến công, trong đó điển hình nhất là trận đánh Cây Sao.

Ở khu vực ngã ba Cây Sao (ấp Hòa Thạnh 1), Tiểu đoàn 857, bộ đội tỉnh Vĩnh Long về đóng quân. Sáng ngày 5/7/1967, địch phát hiện dùng máy bay, pháo binh bắn phá ác liệt, sau đó dùng trực thăng đổ 1 đại đội biệt động quân xuống tấn công.

Bộ đội kiên cường chiến đấu, bắn rơi máy bay địch khi chúng vừa tiếp đất, giữ vững trận địa. Trận đánh này ta diệt được 250 quân địch, bắn rơi và làm hư hỏng 6 trực thăng, cháy và hư 3 xe M113, thu hơn 100 súng. Đây là 1 trận đánh lớn trên địa bàn xã Thạnh Quới nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Đây cũng là trận đánh mà Tiểu đoàn 857 có số thương vong cao nhất kể từ khi thành lập.

Quân ta đã bẻ gãy được chiến thuật “Tân kỳ thiết xa vận, trực thăng vận” của địch, ta tuy bị thiệt hại nhưng 2 gọng kiềm “tìm diệt” và “bình định” của địch đã không phá vỡ được phong trào nhân dân du kích chiến tranh.

Xã Thạnh Quới vẫn giữ vững được vùng giải phóng, bám trụ được vùng kiềm, góp sức cùng với quân dân của huyện, tỉnh và toàn miền Nam chuẩn bị vật lực cho tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch mùa khô 1974- 1975, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày 30/8/1995, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 557/KT-CTN, tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Phú Quới (cũ), nay là 2 xã Thạnh Quới và Phú Quới.

Giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay

Bia truyền thống cách mạng Cây Sao (ấp Hòa Thạnh 1, xã Thạnh Quới).
Bia truyền thống cách mạng Cây Sao (ấp Hòa Thạnh 1, xã Thạnh Quới).

Ông Nguyễn Văn Lý- Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới kể: “Là một người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, tôi nghe kể lại từ kháng chiến chống Pháp, ngã ba ở xã có cây sao rất to.

Cây sao như một “cột mốc”, địa danh đặt tên theo cây sao, muốn biết đường đi cũng tính từ cây sao mà rẽ trái, rẽ phải. Những cụ lớn tuổi ở đây kể khi cây sao cũ chết, người dân liền trồng cây mới, xách từng thùng nước mà tưới nên có tình cảm rất đặc biệt”.

Ngay cạnh cây sao, Bia truyền thống cách mạng Cây Sao xã Thạnh Quới được khởi công xây dựng và hoàn thành năm 1996. Để khắc ghi truyền thống cách mạng cho con cháu mai sau, văn bia khắc ghi: “Cây sao Thạnh Quới. Vùng căn cứ cách mạng.

Trải 2 thời kỳ kháng chiến vang bài ca giải phóng. Pháo bầy, bom tấn, súng lửa, xích tăng vẫn bám đất kiên cường đánh giặc, nuôi quân. Anh hùng thay! Những đội quân du kích; vai trần chặn đánh từng tiểu đoàn quân địch. Thủ pháo, súng trường đối mặt với xe tăng, bắn rơi máy bay trực thăng.

Nhớ! Những anh hùng liệt sĩ, những ông cha, bà mẹ, cô gái, chàng trai. Tất cả một lòng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Ngày đại thắng vang bài ca xây dựng. Tạc dạ ghi lòng những liệt sĩ, những chiến công”.

Theo ông Phạm Công Toàn- Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Long Hồ, Bia truyền thống cách mạng Cây Sao là một trong những di tích có giá trị lịch sử với huyện. Để di tích được bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài, cần có sự phối hợp với đoàn viên thanh niên, học sinh thường xuyên đến học tập truyền thống, quét dọn.

Chính quyền địa phương giao cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ trồng cây, trồng hoa trên tuyến đường góp phần tỏ lòng kính trọng với thế hệ ông cha và giữ cảnh quan địa phương thật đẹp.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm: “Sở GD- ĐT đang phối hợp biên soạn nội dung lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy.

Học sinh từ lớp 1- 12 sẽ có thêm dịp đến bảo tàng, các di tích để hiểu hơn về những trang sử của quê hương, thể hiện lòng thành kính, tự hào đối với công lao to lớn của ông cha đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc”.

Bia truyền thống cách mạng Cây Sao cũng là 1 địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, để lại những bài học quý giá, góp phần hun đúc tinh thần, đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu vì lợi ích của Nhân dân, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ