Thanh niên thi đua làm kinh tế giỏi

Cập nhật, 05:57, Thứ Sáu, 27/11/2015 (GMT+7)

Phong trào thanh niên thi đua làm kinh tế giỏi đã thực sự lan tỏa rộng khắp. Nhiều thanh niên chịu khó làm ăn vươn lên từ đôi bàn tay trắng, nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội...

Tổ sản xuất lúa giống chất lượng cao với gần 30 thành viên tham gia làm kinh tế giỏi.
Tổ sản xuất lúa giống chất lượng cao với gần 30 thành viên tham gia làm kinh tế giỏi.

Những năm qua, được sự quan tâm thường xuyên, kịp thời của các cấp Đoàn- Hội Liên hiệp thanh niên, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi từng bước mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có trên 500 tổ, CLB hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế với trên 6.870 ĐVTN tham gia và rất nhiều mô hình kinh tế của ĐVTN đã phát huy hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho thanh niên, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Tiêu biểu như Anh Nguyễn Quốc Việt (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) là thanh niên chịu khó, biết tích lũy kinh nghiệm làm ăn, vươn lên làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Những năm qua, có rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN được tham quan, học hỏi.
Những năm qua, có rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN được tham quan, học hỏi.

Không chỉ vậy, anh còn thành lập tổ sản xuất lúa giống chất lượng cao cùng ĐVTN phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho hàng chục thanh niên tại địa phương. Anh cho biết: “Chỉ cần mình chịu khó, mạnh dạn vượt qua thất bại thì sẽ có kết quả thôi. Làm giàu cho bản thân, gia đình là cùng góp phần phát triển kinh tế địa phương”.

Thi đua làm kinh tế giỏi, nhiều ĐVTN đã không ngừng vượt qua khó khăn, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất. Điển hình như anh Phan Xuân Hà (thị trấn Tam Bình). Tốt nghiệp ĐH Cần Thơ, bỏ qua cơ hội học cao hơn, anh về quê trồng cam sành.

Những ngày đầu về chăm sóc vườn cam sành của gia đình, Hà gặp không ít khó khăn. Sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế lại phải đương đầu với dịch bệnh vàng lá trên cây cam.

Tuy nhiên, nhờ chịu khó nghiên cứu cùng sự nỗ lực, anh đã vượt qua những trở ngại và đưa thu nhập gia đình ngày càng ổn định. Anh mua 12.000m2 vườn mở rộng diện tích trồng cam, giờ đây, hàng năm thu nhập trên 370 triệu đồng. Anh nói: “Thanh niên phải dám nghĩ, dám làm và góp phần xây dựng quê hương bằng việc làm thiết thực”.

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ ly hương đi làm ăn xa, thế nhưng cũng có không ít bạn trẻ lựa chọn làm kinh tế ngay tại mảnh đất quê nhà. Và hơn bao giờ hết họ đều có chung khát vọng “làm giàu trên mảnh đất quê hương”. Đến tham quan mô hình VAC của anh Huỳnh Khắc Vĩnh Xuyên (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) đúng dịp bưởi vào mùa thu hoạch.

Hướng về vườn bưởi xanh tốt, sai trái, anh Xuyên cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, có đi làm trong công ty giày ở Thủ Đức được vài tháng. Nhưng thấy làm việc vất vả, thu nhập bấp bênh nên quyết tâm về quê lập nghiệp. Hàng năm, anh thu nhập trên 190 triệu đồng từ vườn bưởi, gần 70 triệu đồng từ nuôi bò, chưa kể thu từ chăn nuôi gà, vịt, cá... “Với những thành quả hôm nay, tôi thấy trước đây mình đã quyết định đúng”- anh nói.

Với ý chí tự lực tự cường, sự chí thú làm ăn, nhiều ĐVTN được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế. Từ đó, họ đã mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn ngành nghề phù hợp với các tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả khả quan nhưng: trồng nấm rơm, nuôi lươn, nuôi cá lóc trong vèo, trồng xà lách xoong...

Ra riêng với hơn 1.500m2 đất, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn Phương (xã Thuận An- TX Bình Minh) gặp không ít khó khăn. Được hỗ trợ vay vốn, anh Nguyễn Văn Phương đã thuê 2 công đất và đầu tư hệ thống tưới tiêu để trồng rau diếp cá. Hiện tại, mỗi năm anh tích lũy trên 70 triệu đồng từ mô hình trồng rau này.

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn- Bùi Văn Chiều: Thời gian qua, ĐVTN nhất là ở nông thôn, đã không ngừng phấn đấu làm kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng hành cùng thanh niên, Đoàn- Hội Liên hiệp thanh niên sẽ tăng cường hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cây, con giống, tạo điều kiện để thanh niên được vay vốn sản xuất...

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY