Khống chế HIV - tiến tới chấm dứt bệnh AIDS

Cập nhật, 06:10, Thứ Sáu, 30/12/2022 (GMT+7)
Để có một thai kỳ và con khỏe mạnh, sản phụ nên tầm soát HIV.
Để có một thai kỳ và con khỏe mạnh, sản phụ nên tầm soát HIV.

(VLO) Thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, Vĩnh Long triển khai mạnh mẽ, toàn diện nhiều giải pháp thiết thực theo hướng nâng cao nhận thức cộng đồng, tiếp cận toàn diện, cung cấp dịch vụ dự phòng để khống chế sự lây nhiễm HIV và chuyển sang giai đoạn AIDS của người nhiễm HIV.

Nâng cao kiến thức phòng chống HIV cho người dân

Nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh HIV/AIDS là một trong những giải pháp luôn được Vĩnh Long chú trọng trong thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Các hình thức tuyên truyền đã góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về các biện pháp can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV cũng như tình hình lây nhiễm HIV hiện nay.

Chị Nguyễn Hồng Nhi (xã Long An, huyện Long Hồ) cho biết: “Qua buổi tuyên truyền tại trạm y tế xã giúp tôi biết các con đường lây truyền HIV là từ máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Tôi sẽ nói cho người thân và gia đình tôi có các biện pháp phòng chống HIV”.

Để loại trừ HIV từ mẹ sang con, ngành y tế đã triển khai tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai đến chăm sóc thai kỳ tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Bởi khi phát hiện sớm và điều trị dự phòng đúng từ lúc mang thai thì tỷ lệ trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ rất thấp, thậm chí là 0%.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Trinh (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Tôi đến bệnh viện khám thai, bác sĩ có tư vấn cho tôi xét nghiệm tầm soát HIV. Tôi đồng ý bởi vì xét nghiệm HIV/AIDS để tầm soát cho mình và con khỏe mạnh”.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, để có một thai kỳ khỏe mạnh và con sinh ra không bị lây nhiễm HIV, sản phụ nên tầm soát HIV.

Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.

“Nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2 - 6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ” - BS Thu Hằng nhấn mạnh.

Tiến tới chấm dứt bệnh AIDS

Công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân HIV cũng được chú trọng.

Các phòng tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí đặt tại các địa phương trong tỉnh đã tư vấn, xét nghiệm cho hơn 13.000 trường hợp mỗi năm, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận để xét nghiệm sàng lọc và dự phòng lây nhiễm.

Hiểu và thực hiện tốt các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây truyền HIV của người dân đã góp phần giúp Vĩnh Long kéo giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,19% đạt mục tiêu đề ra dưới 0,26%.

Số trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2022 là 218 trường hợp, giảm 47 trường hợp so với năm trước.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Ngành đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức người dân hiểu rõ hơn đường lây truyền, các biện pháp phòng bệnh cũng như hiệu quả của việc sử dụng thuốc ARV trong điều trị cho người nhiễm và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giám sát, từ đó phát hiện sớm những đối tượng có nguy cơ nhiễm để đưa vào tư vấn quản lý điều trị thích hợp, giảm lây lan trong cộng đồng”.

Việc trang bị thêm kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân là rất cần thiết, vì khi đã hiểu đúng và thực hiện tốt các biện pháp dự phòng can thiệp giảm tác hại sẽ góp phần khống chế sự lây lan của căn bệnh này và tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Theo ngành y tế, dịch HIV/AIDS ở tỉnh bắt đầu lan ra các nhóm có nguy cơ thấp và lan ra cộng đồng chủ yếu qua đường tình dục, đặc biệt là tình dục đồng giới. Năm 2022, ngành y tế phát hiện 218 trường hợp nhiễm HIV mới, trong đó, có 180 trường hợp là nam giới, đa số thuộc độ tuổi từ 25 - 49. Tất cả các trường hợp nhiễm HIV mới đều được đưa vào quản lý điều trị bằng thuốc ARV và điều trị dự phòng lao.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN