"Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường"

Cập nhật, 07:17, Thứ Ba, 15/11/2022 (GMT+7)
Việc tầm soát bệnh định kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
Việc tầm soát bệnh định kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.

(VLO) Chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường” (ĐTĐ) giai đoạn 2021 - 2023 là “Tiếp cận chăm sóc bệnh ĐTĐ” với mục đích mang đến sự thay đổi cho hơn nửa tỷ người trên thế giới đang sống chung với bệnh ĐTĐ (còn gọi là tiểu đường).

Gần 5 triệu người Việt bị bệnh tiểu đường

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, tại Việt Nam kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với gần 5 triệu người đang mắc bệnh ĐTĐ.

Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc ĐTĐ của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Bệnh ĐTĐ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. PGS.TS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết ĐTĐ Việt Nam, nói rằng mối nguy hiểm ở bệnh ĐTĐ là biến chứng.

Bệnh này là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết quốc gia, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.

Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 55% bệnh nhân tiểu đường có biến chứng, trong đó 34% bị biến chứng tim mạch, 39% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận.

Gần 63% người bệnh nhưng chưa được chẩn đoán, được các chuyên gia cho là gây khó khăn cho chiến lược kiểm soát bệnh ĐTĐ ở Việt Nam. Bệnh là gánh nặng cho toàn xã hội, kéo theo nhiều rủi ro cho nền kinh tế, hệ thống y tế và bệnh nhân cùng gia đình của họ.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra ĐTĐ rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh, sẽ giúp phòng ngừa mắc ĐTĐ tới 70% số trường hợp.

Đồng thời, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó. Đối với những người mắc bệnh ĐTĐ cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát bệnh và tránh các biến chứng.

Thay đổi lối sống phòng bệnh ĐTĐ

Các bác sĩ khuyến cáo thường xuyên đi kiểm tra đường huyết tối thiểu 6 tháng/lần, tránh biến chứng nguy hiểm.
Các bác sĩ khuyến cáo thường xuyên đi kiểm tra đường huyết tối thiểu 6 tháng/lần, tránh biến chứng nguy hiểm.

Đáng chú ý, theo số liệu mới nhất được công bố, có tới 4% số người mắc dưới 45 tuổi. Thậm chí, những thiếu niên mắc ĐTĐ type 2 phát hiện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương không còn hiếm.

Ngoài yếu tố di truyền, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là chế độ ăn uống không khoa học, dẫn đến thừa năng lượng, béo phì.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, người trưởng thành không nên dùng quá 25g đường/ngày (5 muỗng cà phê). Song, theo nhiều nghiên cứu, mỗi người Việt Nam hiện dùng tới 46g đường/ngày, bao gồm sử dụng đường trực tiếp hoặc hấp thụ qua các loại thực phẩm chứa đường.

Nguyên nhân chính gây ra tiểu đường type 2, chiếm đến 95% tổng số ca mắc tiểu đường, là do tình trạng suy tuyến tụy và cơ thể kháng hormone Insulin.

Trong khi đó, nếu hấp thụ quá nhiều các loại đồ ăn không lành mạnh, đồ ngọt sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến thừa năng lượng, béo phì, gây áp lực lên tuyến tụy, từ đó dẫn đến tiểu đường.

Những triệu chứng chung thường gặp của 2 tuýp ĐTĐ là mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân, khát nước nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, chậm lành vết thương, nhiễm trùng, nhìn mờ hay thay đổi về trạng thái tâm thần.

Theo BS.CK1 Võ Văn Hạnh Phúc - Phó Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (BVĐK Vĩnh Long), điều trị ĐTĐ quan trọng nhất là kiểm soát tốt chỉ số đường huyết ở mức an toàn.

Song, không ít bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng vì tự ý ngưng thuốc, dùng chung đơn người khác, uống thuốc theo lời đồn, không tái khám bệnh,...

Việc điều trị ĐTĐ là điều trị từng bệnh nhân chứ không chỉ là điều trị bệnh, tức là chỉ định thuốc cho mỗi người là khác nhau. Việc tự ý dùng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác cũng đã nguy hiểm, chưa nói đến dùng thuốc không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường.

ĐTĐ là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân được tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.

“Cách kiểm soát và phòng ngừa bệnh tiểu đường cần xây dựng lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhiều rau xanh, hạn chế ăn mỡ và lòng động vật, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, giảm khẩu phần bữa tối.

Tránh xa thuốc lá, hạn chế rượu, bia. Tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng, tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Người dân nên duy trì khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ”- bác sĩ Hạnh Phúc cho biết.

Theo các chuyên gia, biến chứng bàn chân là một biến chứng nguy hiểm khiến cứ 30 giây trên thế giới lại có một người bị ĐTĐ phải cắt cụt chân, nhưng nó hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.

- Tránh đi chân trần, ngay cả đi trong nhà để tránh giẫm phải vật sắc nhọn, gây nhiễm trùng, ổ loét.

- Quan sát bằng mắt thường xem có các vết phồng rộp hay vết loét ở chân không. Vì chân bị mất cảm giác nên đôi khi bệnh nhân không cảm nhận được mà phải quan sát bằng mắt.

- Dùng khăn sạch lau khô các kẽ bàn chân sau khi tắm và rửa chân.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN