Xin đừng chủ quan với bệnh lý tăng huyết áp!

Cập nhật, 13:05, Thứ Bảy, 08/10/2022 (GMT+7)
Các bác sĩ khuyến cáo để chẩn đoán bệnh, cách đơn giản nhất là đo huyết áp thường xuyên và chủ động để kiểm soát nó.
Các bác sĩ khuyến cáo để chẩn đoán bệnh, cách đơn giản nhất là đo huyết áp thường xuyên và chủ động để kiểm soát nó.

Bệnh tăng huyết áp (THA) được ví như “kẻ giết người thầm lặng”. Vì đây là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính dẫn đến trẻ hóa các bệnh lý THA ở nhiều người Việt Nam hiện nay là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ ăn uống không hợp lý.

25% người trưởng thành bị THA

Bệnh lý THA được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì THA thường xảy ra vào lúc người bệnh không hay biết. Đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim... là các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Đặc biệt, sự thay đổi lối sống, ít tập thể dục, ăn nhiều chất có hàm lượng cholesterol cao, hút thuốc lá, uống rượu bia... cũng khiến cho rất nhiều người dù còn trẻ nhưng đã bị THA.

Làm kỹ sư xây dựng, thường xuyên đi giám sát công trình thêm thói quen hút thuốc lá và có uống rượu bia song anh Nguyễn Thanh Sang (32 tuổi, TP Vĩnh Long) không nghĩ đến có ngày mình phải nhập viện để điều trị bệnh THA.

Anh Sang chia sẻ: “Khi đang làm việc tôi thấy mệt trong người, khó thở, chóng mặt, nghĩ tối qua nhậu khuya, sáng ăn không vô nên đói bụng mệt chút, ai ngờ xỉu luôn. Được người thân đưa vào bệnh viện tỉnh, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị THA, cần phải điều trị lâu dài”.

Đáng lưu ý, nhiều trường hợp bệnh nhân thấy huyết áp đã ổn định và ngưng sử dụng thuốc, điều này khiến bệnh tái phát và càng nặng hơn, có thể đe dọa đến tính mạng.

Nằm điều trị đột quỵ tại Khoa Nội - Tim mạch BVĐK Vĩnh Long, ông T.V.N. (54 tuổi, Trà Ôn) bị THA đã lâu, thời gian gần đây ông thấy sức khỏe ổn định, nên đã ngưng sử dụng thuốc.

“Bữa đang vô phân cho cam, tui thấy khó thở, người gục xuống, người nhà thấy liền đưa vô bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán bị tai biến mạch máu não, nếu không kịp thời cấp cứu sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Kỳ này tui sẽ quyết tâm bỏ thuốc lá luôn”, ông N. cho biết.

Theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia, Việt Nam hiện nay có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và THA. Đáng lưu ý, tỷ lệ THA của những người từ 25 tuổi trở lên trong nhiều khu vực đã lên tới khoảng 25 - 47% và đặc biệt bệnh lý THA đang được trẻ hóa.

Phát biểu tại họp báo về đại hội tim mạch lần thứ 18, ngày 5/10, GS Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam thông tin, THA làm tăng gấp 4 lần nguy cơ tử vong do đột quỵ và tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch, so với người không mắc bệnh.

Không chủ quan với bệnh lý THA

Người bệnh không được tự ý ngưng hoặc giảm liều thuốc đột ngột. Điều này có thể làm tăng huyết áp và tăng tần số nhịp tim cùng lúc, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh không được tự ý ngưng hoặc giảm liều thuốc đột ngột. Điều này có thể làm tăng huyết áp và tăng tần số nhịp tim cùng lúc, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh THA đa phần không có triệu chứng. Nguy hiểm hơn, có đến 90% người bệnh không có nguyên nhân gây bệnh. Ở người trẻ tuổi, tâm lý chủ quan khiến nhiều người chỉ vô tình phát hiện bệnh khi đến khám sức khỏe tổng quát hoặc nghiêm trọng hơn là khi đã xuất hiện biến chứng nguy hiểm.

BS Võ Văn Hạnh Phúc cho biết, cách tốt nhất để phát hiện bệnh kịp thời là đi khám sức khỏe định kỳ. Mỗi người cũng có thể chủ động phát hiện THA bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Chỉ cần một trong 2 trị số: huyết áp tâm thu (số trên) từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90 mmHg trở lên thì được xem là THA.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Viện trưởng Tim mạch Việt Nam, cho rằng người dân chưa thực sự quan tâm đến huyết áp của mình, đặc biệt không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Trong số những người bị THA thì một nửa không biết mình mắc bệnh. Khi biết bệnh rồi, thì 1/3 trong số đó không điều trị.

“Trong số những người điều trị thì 64% không đạt được huyết áp mục tiêu là dưới 140/90 mmHg, THA dẫn đến biến chứng nặng nề như đột quỵ, suy tim, giảm thị lực, mù lòa, suy thận”... PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Theo BS.CK1 Võ Văn Hạnh Phúc - Phó Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc (BVĐK Vĩnh Long), việc điều trị và kiểm soát huyết áp là vô cùng quan trọng. Đây là một bệnh mạn tính.

Để ngăn ngừa biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ.

Ngay khi phát hiện THA hoặc có những triệu chứng dù chỉ thoáng qua như: hồi hộp, đánh trống ngực, nhức đầu mỗi buổi sáng thức dậy... nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, người có các yếu tố nguy cơ như thói quen ăn mặn, môi trường sống ít vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng thường xuyên, lớn tuổi và tiền căn gia đình có người mắc THA... nên khám sức khỏe định kỳ.

Các chuyên gia y tế khẳng định, nguyên tắc điều trị THA là điều chỉnh lối sống như giảm béo phì, giảm muối, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, acid béo no, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá. Tăng cường hoạt động thể lực ở mức phù hợp, tránh căng thẳng thần kinh.

Ngoài ra, người bệnh cần lựa chọn loại thuốc hạ huyết áp phù hợp, có chỉ định của bác sĩ; chỉ số huyết áp cần hạ từ từ, tránh hạ quá nhanh; quá trình điều trị cần liên tục, lâu dài.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến THA nhưng theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, khẩu phần ăn không hợp lý (mặn, nhiều chất béo…), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống... là những nguyên nhân rất đáng phải quan tâm vì phần lớn là có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết cách phòng tránh.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG