Tầm soát ung thư vú- càng sớm càng tốt

Cập nhật, 14:08, Thứ Sáu, 21/10/2022 (GMT+7)
Người bị ung thư vú tuyệt đối không được tự điều trị.
Người bị ung thư vú tuyệt đối không được tự điều trị.

(VLO) Ung thư vú là bệnh lý ác tính hàng đầu về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong ở nữ giới. Đây cũng là một trong 5 loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Đáng lo ngại, tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ dưới 40 tuổi ngày càng tăng.

Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư vú

Theo các bác sĩ Bệnh viện (BV) Ung bướu TP Cần Thơ, yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ dễ mắc ung thư vú chủ yếu có liên quan đến môi trường, thói quen sinh hoạt, lối sống, thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá…

Qua đó, việc hút thuốc hoặc hút thuốc lá thụ động trong thời gian dài làm tăng trung bình 27% nguy cơ mắc ung thư vú; thậm chí trong một vài nghiên cứu, nguy cơ này lên tới 80 - 90%.

Hơn nữa, còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng khi điều trị ung thư vú như tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông, khó phục hồi sau phẫu thuật, giảm sức đề kháng nên dễ dàng suy yếu sau các đợt xạ trị, hóa trị…

Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng kéo dài do áp lực công việc, độc thân, có con nhưng không cho con bú sữa mẹ… cũng là một trong những nguyên nhân khởi phát bệnh ung thư vú. Ngoài ra, ung thư vú còn có nguyên nhân do yếu tố gia đình và di truyền (chiếm khoảng 10%).

Chị T.T.Q.L. (42 tuổi, TX Bình Minh- Vĩnh Long) “bủn rủn tay chân” khi bác sĩ BV Ung bướu TP Cần Thơ gọi chị và chồng vào thông báo chị đã bị ung thư vú. Chị L. vào viện vì chảy dịch núm vú trái 3 tháng nay, không kèm đau tức vú, không sờ thấy u cục bất thường.

“Khi siêu âm thấy bất thường, chị được các bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ tuyến vú, cho thấy đám tổn thương ngấm thuốc không tạo khối vú trái - xếp loại BIRADS 4. Sau khi sinh thiết, chị được chẩn đoán xác định là ung thư vú”.

“Hai vợ chồng thêm sốc khi bác sĩ nói khói thuốc lá cũng là một trong các tác nhân khiến chị bị ung thư vú. Hơn 10 năm sống chung, anh vô tư hút suốt kể cả trong nhà, trong phòng.

Chị thì cũng đã quen với khói thuốc của chồng nên cũng không phàn nàn gì. Giờ mới biết đó là khói độc thì cũng đã… muộn rồi”- chị L. rơm rớm nước mắt.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, dấu hiệu cảnh báo ung thư vú gồm: Sờ có khối u ở vú, hoặc vùng xung quanh như dưới nách; vú thay đổi về hình dạng và kích thước vùng da ở ngực; núm hoặc quầng vú xuất hiện vảy, đỏ hoặc sưng. Ngoài ra, các dấu hiệu khác như núm vú bị tụt, đau nhức; tiết dịch hoặc dịch có lẫn máu ở đầu vú...

Lối sống lành mạnh để phòng ngừa ung thư vú

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, Việt Nam có gần 183.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú gần 22.000 người, chiếm 11,8%. Cũng trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 10.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Tỷ lệ sống của bệnh ung thư vú sau 5 năm ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0) đạt gần 100%. Tỷ lệ này giảm xuống còn 95% ở giai đoạn I, 80% ở giai đoạn II, 72% ở giai đoạn III và chỉ còn 25% ở giai đoạn IV. Điều này cho thấy việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư là việc nên làm và cần thực hiện nếu muốn kiểm soát căn bệnh, tránh bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị.

“Ngày nay, với sự tiến bộ của các phương thức chẩn đoán như siêu âm kết hợp chọc hút tế bào, XQ tuyến vú, MRI tuyến vú, giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch, PET/CT... kết hợp với các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, nội tiết, các thuốc điều trị đích, miễn dịch... đã kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh” - PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay.

Theo BV K, nhiều người phát hiện bệnh ung thư vú khi chưa tới 30 tuổi, đa phần chủ động đi khám sớm vì vậy hiệu quả điều trị rất cao.

Nhiều trường hợp sau phẫu thuật không cần điều trị thêm, chỉ theo dõi tái khám định kỳ.

Do đó, phát hiện càng sớm thì điều trị càng đơn giản, hiệu quả, đỡ tốn kém. Hiện nay, tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư vú tại BV K đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, ở mức trên 70%.

TS.BS Võ Văn Kha- Phó Giám đốc BV Ung bướu Cần Thơ cho rằng, để phòng tránh bệnh ung thư vú, chị em cần ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám vú thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh: Phụ nữ ngoài 40 tuổi cần phải tầm soát ung thư vú định kỳ 6 - 12 tháng /lần.

Ngoài ra, ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng nên tự kiểm tra vú của mình ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường - có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám.

Trong cuộc sống hàng ngày, nên có chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên vận động, tập thể dục. Đặc biệt, không hút và tránh xa khói thuốc lá, hạn chế rượu bia.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi và sẽ được phẫu thuật bảo tồn tuyến vú mà không phải cắt bỏ toàn bộ. Hiệu quả điều trị cao và chi phí điều trị thấp.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG