Để con vui khỏe đến trường

Cập nhật, 13:21, Thứ Sáu, 26/08/2022 (GMT+7)

 

Trẻ em từ 5- 11 tuổi tiêm ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trẻ em từ 5- 11 tuổi tiêm ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

(VLO) Thời điểm đầu năm học mới trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tại Vĩnh Long có khuynh hướng tăng trở lại; bên cạnh đó, nhiều bệnh có nguy cơ lây lan trong học sinh, như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm... Vậy nhà trường và phụ huynh cần phòng bệnh cho con bằng cách nào?

“Con tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đến trường đỡ lo hơn”

Theo Sở Y tế, dù dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, nhưng những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Vĩnh Long đang có xu hướng tăng trở lại. Đặc biệt, trong 14 ngày gần nhất ghi nhận 127 ca mắc, trung bình 10 ca/ngày.

Số ca mắc có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây do biến chủng BA.2 của vi rút SARS-CoV-2 (kết quả giải trình tự gien do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phản hồi) chiếm ưu thế và đang lưu hành trong cộng đồng. Đặc biệt, khi thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, các chuyên gia cảnh báo, số trẻ mắc COVID-19 có thể gia tăng nhanh.

Từ tháng 11/2021, Vĩnh Long đã tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em tại các điểm trường. Qua đó, tạo “lá chắn” phòng ngừa cho trẻ bằng các mũi tiêm vắc xin là điều phải khẩn trương làm, bắt đầu từ việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, cùng với ý thức của phụ huynh hợp tác tốt với cơ quan y tế để tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho con mình.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Vĩnh Long nằm trong nhóm có tỷ lệ tiêm ngừa cho trẻ em dẫn đầu cả nước. Kết quả trên có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế và chính quyền địa phương.

Chị Lê Tuyết Nhi (Phường 9- TP Vĩnh Long) có con gái gần 6 tuổi đang học lớp lá cho biết: “Gia đình có 5 người, mẹ và vợ chồng tôi đã tiêm đủ 4 mũi. Con gái cũng được tiêm 2 mũi nên cũng an tâm phần nào khi dịch bệnh có xu hướng tăng, con đến trường đỡ lo hơn”.

Không chỉ tiêm vắc xin ngừa COVID-19, chị Nhi còn chủ động đưa con đi tiêm vắc xin ngừa phế cầu, cúm, thương hàn.

“Trong sổ tiêm chủng có bệnh gì mà phòng được bằng vắc xin và bác sĩ khám sức khỏe cho con tiêm là vợ chồng tôi tiêm đủ hà. Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, tôi còn nhắc con phải đeo khẩu trang khi ra ngoài và rửa tay kỹ bằng xà bông, sát khuẩn để ngừa bệnh cho con”- chị Nhi cho biết.

Ôm động viên con trai 7 tuổi vừa được tiêm xong, ngồi chờ theo dõi 30 phút sau tiêm, anh Trần Quốc Tuấn (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết đưa con đi tiêm mũi 2 anh cũng đỡ lo lắng hơn lúc đưa con đi tiêm mũi 1.

“Mũi 1 thằng bé về êm ru, chơi giỡn bình thường, không có hành gì hết. Con được tiêm xong mũi 2 này, gia đình thấy yên tâm khi con đến trường học”- anh Tuấn cho biết.

Đến nay, số trẻ từ 5- 11 tuổi ở Vĩnh Long tiêm mũi 1 đạt gần 97%, mũi 2 gần 80%. Vĩnh Long là 1 trong 3 tỉnh tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5- 11 tuổi cao nhất và là 1 trong 3 tỉnh tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12- 17 tuổi cao nhất cả nước, gần 71%.

Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

Trường học phải đảm bảo khử khuẩn môi trường sạch sẽ, trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà bông,... để phòng các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp.
Trường học phải đảm bảo khử khuẩn môi trường sạch sẽ, trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà bông,... để phòng các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp.

Theo các bác sĩ, trong bối cảnh dịch COVID-19 tồn tại và có dấu hiệu gia tăng, cùng với nhiều dịch khác như cúm, tay chân miệng… đang lưu hành, do đó để phòng chống dịch bệnh, hiệu quả không chỉ tuân thủ việc phòng bệnh trên lớp, mà ngay cả trong gia đình.

Người lớn và trẻ nhỏ nên đeo khẩu trang, khử khuẩn, rửa tay bằng xà bông, vệ sinh mũi họng. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên cho con giữ khoảng cách, không tiếp xúc với người có dấu hiệu ho, sốt.

Để có hệ miễn dịch tốt phòng bệnh cho trẻ, TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, trẻ phải có sức khỏe tốt, bằng cách cha mẹ cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ, chú ý bảo vệ sức khỏe con mình bằng cách tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ (chuẩn bị nước sát khuẩn tay trong cặp cho con, đem bình nước riêng); bổ sung Vitamin C vào chế độ ăn giúp tăng sức đề kháng chống bệnh.

Đi học về cho trẻ tắm rửa, thay đồ sạch sẽ;... Ngoài ra, để phòng bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh nên phòng muỗi đốt cho trẻ khi ngồi học trong lớp hay ở nhà bằng kem thoa chống muỗi an toàn cho trẻ; vệ sinh nhà cửa thông thoáng; diệt lăng quăng; ngủ mùng kể cả ban ngày.

Mùa tựu trường là thời điểm quan trọng phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của con, đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu cảnh báo như: da xanh, khó thở, thở mệt, sốt cao liên tục trên 38 độ C, li bì, bỏ ăn kéo dài, nôn ói, tiêu chảy, ho liên tục kéo dài... Nếu thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường của bệnh thì nên đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD- ĐT thông tin: Các trường triển khai nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự cho công tác phòng chống dịch không lơ là, chủ quan, đảm bảo các biện pháp phòng dịch cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN