Sốt xuất huyết tăng- không để bùng phát thành dịch

Cập nhật, 11:59, Thứ Sáu, 29/07/2022 (GMT+7)

 

Bệnh sốt xuất huyết không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng mắc bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng mắc bệnh.

(VLO) Tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong tỉnh vẫn đang tiếp tục có chiều hướng tăng và đã gây tử vong 2 trường hợp. Ngành y tế dự báo số ca mắc SXH sẽ còn tăng do vào cao điểm mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn gây bệnh phát triển và chu kỳ dịch quay trở lại, dẫn đến các ca bệnh nặng cao hơn. Để khống chế không để bệnh bùng phát thành dịch, ý thức chủ động phòng bệnh của người dân là giải pháp tốt nhất hiện nay.

Mỗi tuần ghi nhận trên 100 ca

Liên tục trong những tuần gần đây, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, mỗi tuần Vĩnh Long ghi nhận trên dưới 100 ca SXH, trong đó tuần 29 ghi nhận gần 150 ca. Từ tháng 5 đến nay số ca mắc SXH trong tỉnh liên tục gia tăng và chưa có dấu hiệu chựng lại.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 1.200 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và từ tháng 5 đến nay số ca mắc bệnh chiếm trên 80% tổng số ca mắc các tháng đầu năm.

Đặc biệt các ca nặng chiếm tỷ lệ khá cao và đã gây tử vong 2 trường hợp do SXH Dengue (từ năm 2018- 2021, không ghi nhận ca tử vong), bệnh nhân là nữ 35 tuổi ở huyện Trà Ôn vừa được mổ lấy thai 2 ngày và bé gái 11 tuổi (Vũng Liêm).

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Văn Công Minh- Giám đốc Sở Y tế, 2 trường hợp này chưa từng ghi nhận mắc bệnh SXH và COVID-19. Hiện tỉnh ghi nhận và xử lý 220 ổ dịch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (108 ổ dịch).

Cơ số thuốc và cơ sở y tế ở tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị các ca bệnh SXH. “Hiện, CDC tỉnh phối hợp với trung tâm y tế và trạm y tế tiến hành điều tra thông tin, thực hiện diệt lăng quăng, phun hóa chất theo quy định 200m xung quanh nhà ca bệnh.

Tuyên truyền cho người dân thông điệp, cần đi khám ngay tại cơ sở điều trị ngay khi có biểu hiện sốt, tuyệt đối không chủ quan trước bệnh”- Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo.

Bệnh SXH có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng từ nhẹ đến rất nặng và có thể tử vong. Bên cạnh sốt cao liên tục còn có các dấu hiệu như đau đầu, mệt mỏi, nôn ói, đau bụng, xuất huyết dưới da, đặc biệt nếu bệnh nhân diễn tiến thành thể SXH Dengue nặng vô sốc có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Chí Công- Phó trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Đối với SXH nhẹ được điều trị tại nhà phụ huynh theo dõi khi trẻ có triệu chứng chuyển nặng như trẻ bị nôn ói, đau bụng, chảy máu mũi máu răng xuất huyết tiêu hóa phải đưa trẻ đến khám nhập viện kịp thời.

SXH thường sốt cao liên tục từ 2- 4 ngày, sau ngày thứ 4 các triệu chứng sốt giảm dần, trẻ hết sốt ăn uống bình thường là trẻ có dấu hiệu hồi phục.

Nhưng sau ngày thứ 4 hết sốt mà trẻ li bì, không chịu chơi, kém linh hoạt, than đau bụng, nôn ói cần nhập viện ngay để bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời”.

“Không có muỗi, không có lăng quăng, không có bệnh SXH”

Theo các bác sĩ, đáng lưu ý SXH có thể tấn công trẻ nhỏ nhưng biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ, kèm ho, sổ mũi, hay tiêu chảy, nôn ói… gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa.

Do đó, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác để điều trị thích hợp.

Diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách vệ sinh nhà cửa thông thoáng, đổ bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết, xóa môi trường sinh sản của muỗi và tránh muỗi đốt, là biện pháp phòng bệnh SXH hiệu quả hiện nay.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết: “Bệnh SXH lây từ người bệnh qua người lành qua trung gian muỗi vằn. Đặc tính muỗi vằn hoạt động ban ngày chủ yếu sống trong nhà, do đó để phòng SXH, bà con lưu ý ban ngày trẻ ngủ cũng giăng mùng; dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi để diệt muỗi.

Đặc tính muỗi vằn sinh sản trong các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà, bà con dùng nắp đậy kín các dụng cụ chứa nước này để muỗi không vào sinh sản, phát triển gây bệnh”.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay được khuyến cáo là diệt muỗi, lăng quăng và phòng muỗi đốt. Người dân cần tích cực chung tay cùng ngành y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. “Không có muỗi, không có lăng quăng, không có bệnh SXH”.

CDC TP Hồ Chí Minh khuyến cáo 7 nguyên tắc để không có lăng quăng

* Ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước: Dùng giải pháp che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.

* Sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi: Thả các loài động vật ăn lăng quăng như: Cá bảy màu, bọ nước (mesocyclops)… vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng.

* Sử dụng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi: Cho vào các dụng cụ chứa nước, những khu vực đọng nước các chất như muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn… hoặc các hóa chất chuyên dụng như: Temephos 1%, Pyriproxyfen 0.5%, Polydimethylsiloxane (PDMS) 78% để tiêu diệt lăng quăng.

* Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước: Lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa.

* Loại bỏ vật chứa: Loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải không để các vật đọng nước phát sinh lăng quăng.

* Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước: Thay nước và chà rửa kỹ vật chứa nước, thực hiện định kỳ mỗi 5- 7 ngày 1 lần.

* Thay đổi hình thức trữ nước: Thay đổi tập quán trữ nước, không sử dụng các vật chứa nước có nguy cơ đọng nước làm phát sinh lăng quăng mà thay bằng sử dụng trực tiếp từ vòi nước.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN