Phỏng vấn

Hướng đến mục tiêu bệnh viện không giấy tờ

Cập nhật, 17:53, Thứ Sáu, 01/07/2022 (GMT+7)

 

(VLO) Trong những năm gần đây, ngành y tế đã quyết liệt triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) vào phục vụ công tác điều hành, quản trị bệnh viện, giám sát dịch bệnh, quản lý sức khỏe cho người dân. Cùng với cả nước, ngành y tế Vĩnh Long đang nỗ lực thực hiện CĐS nhằm mang lại lợi ích cho người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Y tế, về công tác này.

* Thưa TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, việc CĐS trong ngành y tế hiện nay đã đem lại lợi ích cho các cơ sở y tế và người dân trong việc điều trị và tiến hành các thủ tục khám, chữa bệnh như thế nào?

- CĐS đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành y tế ở nhiều lĩnh vực như: từ công tác quản lý, khám bệnh, chữa bệnh, vận dụng dịch vụ kỹ thuật cao, tiếp cận của người dân, giảm các thủ tục hành chính phiền hà, giúp người dân thuận tiện hơn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, ứng dụng những dịch vụ chuyển tiếp từ tuyến trên về tuyến dưới.

Cụ thể, việc khám chẩn đoán từ xa: người dân ở các cơ sở tuyến xã, huyện được ghi nhận những dấu hiệu lâm sàng, nếu có vấn đề quá khả năng tuyến cơ sở thì hình ảnh, triệu chứng bệnh nhân được chuyển tải đến các cơ sở y tế tuyến cao hơn, từ đó có những hướng điều trị nhanh chóng, phù hợp.

* Thưa bà, công tác CĐS của ngành y tế Vĩnh Long đã đạt được những kết quả bước đầu như thế nào? Những thuận lợi và những hạn chế, khó khăn trong công tác CĐS hiện nay?

- Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các CĐS hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Qua đó, đạt được những kết quả bước đầu trong CĐS: 100% các cơ sở y tế đã triển khai phần mềm khám bệnh, chữa bệnh, 100% các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh có kết nối các phần mềm với bảo hiểm xã hội... Các cơ sở y tế cũng đã có phần mềm tiếp nhận bệnh nhân, một số cơ sở sử dụng bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối các cơ sở tuyến trên trong việc khám chữa bệnh từ xa.

Thời gian qua, nhất là trong công tác phòng chống dịch thì CĐS đã có tác dụng tích cực như quản lý tình hình bệnh, các phần mềm xét nghiệm, tiêm vắc xin ngừa COVID-19, hộ chiếu vắc xin. Song, cũng còn những hạn chế như về trang thiết bị, nhân lực về CNTT còn thiếu và yếu, nhân viên y tế từng bước cập nhật nhưng vẫn chưa tiếp cận được nhanh chóng; kinh phí cho công tác CĐS còn gặp khó khăn.

* Thưa bà, định hướng trong thời gian tới, việc CĐS của ngành y tế sẽ khắc phục những khó khăn và hướng đến CĐS toàn diện ra sao?

- Thời gian tới, ngành y tế xây dựng kế hoạch CĐS tổng thể trong ngành đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Qua đó, chúng tôi sẽ đề xuất những trang thiết bị phục vụ cho công tác CĐS, sẽ huy động nguồn nhân lực về CNTT chất lượng cao; mạnh dạn đề xuất kế hoạch thu hút nguồn nhân lực, kết hợp các nhân lực có kinh nghiệm ở các địa phương hoặc ở tuyến trên để về hỗ trợ.

Các cơ sở y tế cũng nhanh chóng thực hiện các đầu công việc như triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý người bệnh trên cơ sở thông tin, kết nối, ghi nhận kết quả chẩn đoán một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, CĐS, hướng đến mục tiêu bệnh viện không giấy tờ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như quản lý tốt hồ sơ sức khỏe người dân, giám sát dịch bệnh...

* Xin trân trọng cảm ơn bà!

THÚY QUYÊN (thực hiện)