Đậu mùa khỉ có thể tự khỏi và phòng ngừa bằng vắc xin

Cập nhật, 14:26, Thứ Sáu, 03/06/2022 (GMT+7)

 

Các phần bị tổn thương xuất hiện trên tay và chân em nhỏ bị nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Các phần bị tổn thương xuất hiện trên tay và chân em nhỏ bị nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Getty Images/TTXVN

(VLO) Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên ngay khi có thông tin về bệnh (từ Tổ chức Y tế thế giới- WHO) ngành y tế đã triển khai các giải pháp ứng phó.

Giám sát người về từ vùng có dịch

Theo định nghĩa của WHO, đậu mùa khỉ là một bệnh do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật, có nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người.

Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người qua tiếp xúc gần. Vi rút cũng có thể lây từ người đang mang thai sang thai nhi qua nhau thai. Thời gian ủ bệnh từ 5- 21 ngày, thông thường từ 6- 13 ngày.

Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng tránh, triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ.

Đồng thời, đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.

Khi phát hiện, báo cáo ngay cơ sở y tế để phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, sở giao cho CDC tỉnh làm đầu mối để kết hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thực hiện giám sát lấy mẫu xét nghiệm khi có chỉ định. Bên cạnh đó, có kịch bản xử lý khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ; tăng cường truyền thông về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ, đường lây truyền và các biện pháp phòng bệnh đặc biệt là những người có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch.

Đồng thời, giao các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ báo ngay về CDC để được xử lý kịp thời.

Đậu mùa khỉ có thể tự khỏi và phòng ngừa bằng vắc xin

Ngày 31/5, WHO cho biết vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 30 quốc gia trên thế giới với hơn 550 ca mắc đã được ghi nhận. Cùng ngày, Bộ Y tế đã công bố bộ tài liệu hỏi đáp về bệnh đậu mùa khỉ do WHO giải đáp.

Người mắc đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như: sốt, nhức đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, năng lượng thấp, sưng hạch bạch huyết và phát ban hoặc tổn thương trên da. Phát ban thường bắt đầu trong vòng 1-3 ngày sau khi bắt đầu sốt.

Theo GS.TS. Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), qua giám sát, Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Tổn thương có thể phẳng hoặc hơi gồ lên, chứa đầy dịch trong hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô dần và rụng. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Chúng cũng có thể xuất hiện trên miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Đáng lưu ý, WHO cho biết, các triệu chứng của bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.

Để phòng tránh sự lây lan của đậu mùa khỉ cần có sự chung tay của tất cả mọi người. Cần nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ với các biện pháp phòng nguy cơ lây nhiễm. WHO khuyến cáo cần hạn chế tiếp xúc với những người đã nghi ngờ hoặc xác nhận mắc bệnh.

Người mắc đậu mùa khỉ nên đeo khẩu trang và người tiếp xúc gần cũng cần đeo khẩu trang, sử dụng găng tay nếu phải tiếp xúc trực tiếp với tổn thương của người bệnh. Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc chất tẩy rửa tay có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

Người có các triệu chứng nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục khi nhiễm bệnh; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

WHO cũng cho biết, một số loại vắc xin ngừa bệnh đậu mùa hiện nay vẫn có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Cùng với đó, một loại vắc xin mới hơn được phát triển cho bệnh đậu mùa (MVA-BN, còn được gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.

WHO đang làm việc với nhà sản xuất để cải thiện khả năng tiếp cận. Những người đã được tiêm vắc xin ngừa bệnh đậu mùa trước đây vẫn còn tác dụng bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ.

WHO vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh tại Châu Âu và nhiều nơi khác trong mùa hè này và nhấn mạnh sẽ kiềm chế bùng phát dịch bệnh bằng cách ngăn chặn hết mức có thể sự lây nhiễm từ người sang người.

 

SÔNG TRĂNG