Ấn Độ phóng thành công tên lửa mang vệ tinh đầu tiên do tư nhân phát triển

Cập nhật, 17:18, Thứ Sáu, 18/11/2022 (GMT+7)

Sáng 18/11, tên lửa mang vệ tinh mang tên Vikram-S, tên lửa đầu tiên của Ấn Độ do một doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu phát triển, đã được phóng thành công vào vũ trụ.

Vụ phóng được thực hiện tại Trung tâm Không gian Satish Dhawan, ở bang Đông Nam Andhra Pradesh. Tên lửa do công ty Skyroot Aerospace - một doanh nghiệp khởi nghiệp tại thành phố Hyderabad chế tạo, với sự hỗ trợ của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) và Trung tâm Cấp phép và Xúc tiến Không gian Quốc gia Ấn Độ (IN-SPACe).

Ấn Độ phóng thành công tên lửa mang vệ tinh đầu tiên do tư nhân phát triển. Ảnh: India Today
Ấn Độ phóng thành công tên lửa mang vệ tinh đầu tiên do tư nhân phát triển. Ảnh: India Today

Tên lửa Vikram S được phóng vào không gian mang theo 2 vệ tinh của Ấn Độ và 1 vệ tinh của Armenia. Theo thông tin công bố, tên lửa đã đạt được độ cao 89,5 km và tầm bắn 121,2 km, đúng theo kế hoạch của Skyroot Aerospace.

Tên lửa Vikram S được đặt tên theo chuyên gia Vikram Sarabhai, cha đẻ của chương trình không gian của Ấn Độ. Dự án phát triển Vikram S được khởi động từ cuối năm 2020 và về đích trong thời gian nhanh kỷ lục.

Với trọng lượng 545 kg, chiều dài 6m và đường kính 0,37m, Vikram S được cung cấp năng lượng từ động cơ đẩy nhiên liệu rắn, hệ thống điện tử tiên tiến và toàn bộ khung cấu trúc lõi chế tạo từ sợi carbon. Theo tuyên bố của nhà sản xuất, Vikram S là phương tiện bay nhanh nhất và có giá cả phải chăng nhất để đưa vệ tinh vào vũ trụ./.

Theo PV/VOV