Yêu sách biển của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế

Cập nhật, 14:44, Thứ Năm, 28/07/2022 (GMT+7)

Hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông lần thứ 12 vừa diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ, dưới hình thức cả trực tiếp và trực tuyến. Sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Các chủ đề chính bao gồm tình hình ở Biển Đông, diễn biến pháp lý và quản lý tranh chấp, đối tác và năng lực quân sự, cũng như vai trò của các liên minh khu vực như nhóm Bộ Tứ, AUKUS và châu Âu tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Biển Đông.  

Hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông lần thứ 12 diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ.
Hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông lần thứ 12 diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết:            

“Năm nay là lần thứ 12 CSIS tổ chức hội thảo về Biển Đông trong bối cảnh khu vực rất lo ngại những gì đang xảy ra ở Ukraine có thể làm phân tán sự chú ý của chính giới cũng như học giả Mỹ với vấn đề Biển Đông trong khu vực.

Nhưng những gì diễn ra trong hội thảo cho thấy sự quan tâm của học giả Mỹ cũng như chính giới Mỹ với vấn đề Biển Đông vẫn còn tập trung. Những bài phát biểu đã điểm lại những diễn biến gần đây, những yêu sách mang tính mở rộng của Trung Quốc cũng như lên án tất cả những yêu sách biển của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam.

"Đặc biệt, đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ, trợ lý về luật pháp, đã trình bày lại kết quả nghiên cứu về các giới hạn trên biển số 150, khẳng định rằng là nếu áp dụng tất cả các quy định của luật pháp quốc tế thì yêu sách biển của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế và không phù hợp với tất cả những thực tiễn.

Cụ thể là có 80 thực tiễn liên quan đến các quần đảo ngoài khơi và tất cả những thực tiễn này đều không ủng hộ quan điểm của Trung Quốc cho rằng là nếu không phải áp dụng quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc thì sẽ có một thực tiễn giữa các quốc gia hình thành nên tập quán quốc tế để ủng hộ cho yêu sách của Trung Quốc.

Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định, phản bác cả hai lập luận này và cho thấy rằng, đến nay yêu sách biển của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Đây là những quan điểm phù hợp với lợi ích cũng như quan điểm pháp lý của chúng ta tại Biển Đông”.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Ely Ratner, Trung Quốc đang thử thách giới hạn quyết tâm tập thể của các nước và thúc đẩy một hiện trạng mới ở Biển Đông, thách thức cam kết chung của các nước đối với tôn trọng chủ quyền, giải quyết hòa bình các tranh chấp và tuân thủ luật pháp quốc tế.  

Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS.
Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS.

Trong khi đó, ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, nhấn mạnh:

“Trung Quốc rõ ràng không tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Trung Quốc vi phạm hầu hết các mặt của UNCLOS tại thời điểm này. Câu trả lời của Trung Quốc là có một luật tồn tại trước đó có thể thay thế UNCLOS nhưng luật này dường như chỉ áp dụng đối với Trung Quốc.

Mỗi lần các yêu sách của Trung Quốc được chứng minh là không đúng hoặc bị phản đối, Trung Quốc lại tìm cách thay đổi cách lý giải các yêu sách của mình. Đó là cách Trung Quốc hợp lý hóa những gì mình muốn. Trung Quốc cơ bản coi luật pháp quốc tế như một công cụ có thể sử dụng hoặc loại bỏ khi bất tiện”.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia nổi tiếng, chính giới và các nhà nghiên cứu từ các trường đại học của Mỹ, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Philippines./.

Theo PV/VOV