Cảm xúc đến từ trái tim...

Cập nhật, 06:48, Thứ Hai, 06/03/2023 (GMT+7)

“Chiều tối, tụi nó mỗi đứa một chiếc điện thoại, không ai ngồi nói chuyện với tôi hết nên tôi vô phòng nghỉ sớm lắm”.

“Mấy đứa nhỏ nhà tui cũng vậy, trên đó có gì mà tụi nó mê dữ vậy không biết?”. Bà tôi và người bà hàng xóm ngồi uống trà nói chuyện, tôi “bắt trộm” hai câu nói ấy. Chắc bà đang có cảm giác cô đơn khi sống cạnh bên con cháu nên mới nói như thế.

Chắc bà thấy sự thay đổi của mấy đứa cháu, chúng không quấn quýt bên bà để hỏi cái này, cái kia, và để bà được kể chuyện thời đó nấu rượu bằng cơm gia ra làm sao, bà phải chèo xuồng tận An Giang để bắt cá làm mắm để dành ăn cả năm như thế nào… Và chúng mỗi đứa một góc riêng không xoắn xuýt bên nhau.

Mọi người đang sống với thế giới ảo đầy quyến rũ. Tôi kể cho bà nghe, mọi thắc mắc ở tất cả các lĩnh vực đều có giải đáp trên mạng và bao thứ khác trên đó. Bà bảo, “Mèm ơi, hay dữ vậy sao con. Hèn chi tụi nó mê quá trời”.

Và hôm nay, ngồi dạy con học, tôi nghĩ sau này chắc tôi cũng giống bà, cô đơn khi ngồi bên cạnh các con. Vì thời gian sau chắc nó không hỏi tôi, mẹ ơi, câu này con viết có hay không?, mẹ chỉ con bài toán này đi,… vì đã có trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giải đáp chỉ sau vài giây thôi.

Hổm rày, cái chát-ghi-pi-ti được bàn tán sôi nổi quá trời. Nghe đâu nó có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, viết báo, làm luận văn…

Ái ngại quá, cái A cái I gì đó tác động rất nghiêm trọng đối với giáo dục. Tụi trẻ có thể thoát khỏi guồng quay phát triển của trí tuệ nhân tạo?

Theo tôi biết thì nó là một kho kiến thức là hệ thống dữ liệu lớn tập hợp nên đâu thay thế chúng ta phản ánh chân thực cuộc sống bằng nhãn quan của con người. Và khi tìm hiểu và biết được trí tuệ nhân tạo trở thành công cụ gian lận trong bài tập, thi cử của học sinh.

Và câu hỏi đặt ra, trong tương lai con người quá bị lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo? Lúc ngồi trên bờ biển ngắm bình minh trên biển xanh, óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động mạnh theo cảm xúc dâng trào, ta cũng có thể tả được một cảnh đẹp với câu từ đẹp theo ý mình. Có thể nghĩ ra một câu thơ cho dù nó không hay.

Trong tương lai, có thể khi mình có A có I, mình lười biếng và mất đi phần sáng tạo không chừng. Nói ra những câu văn nhợt nhạt màu, phai sắc hay vô cảm xúc không chừng.

Bánh xe của sự thay đổi kỹ thuật số mà xã hội đang trải qua, dù có thay đổi như thế nào thì đừng để óc chúng ta không cần phải hoạt động nhé. Chúng ta không trau dồi kiến thức mà sử dụng chúng, đôi lúc chúng ta không thể nhận thức được đúng sai từ câu trả lời của A của I đó à nghen.

Và nghĩ lại, nó đâu có đem lại cho ta cảm xúc như khi ngồi nói chuyện với những người có kinh nghiệm sống mấy mươi năm như bà đâu. Nó đâu có thể xoa dịu một trái tim non, nó đâu biết dỗ dành, đâu có cảm giác sung sướng khi làm bài đúng mẹ nhìn, mẹ trao một nụ cười đầy ấm áp đâu ta.

HOÀI THƯƠNG