Mẹ và đồng đội

Cập nhật, 06:02, Thứ Tư, 22/02/2023 (GMT+7)

Câu chuyện kể của anh cứ làm tôi bâng khuâng khi nhớ đến, chỉ tiếc rằng chuyện nghe trong một hoàn cảnh đặc biệt nên tôi không còn nhớ ngày tháng cụ thể, nay anh không còn nữa và câu chuyện xảy ra đã lâu nên ở địa phương không còn mấy người nhớ… Anh là Nguyễn Văn Thảnh (Bảy Dũng) là người ấp Kinh (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm), anh mất sau ngày giải phóng…

Chuyện anh kể xảy ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, lúc anh đang là cán bộ phụ trách tổ Đảng ấp Trường Hội (ngày nay gọi là bí thư chi bộ Đảng của ấp) - là ấp cùng xã liền với ấp Kinh - thì tại ấp này xảy ra một câu chuyện liên quan đến việc thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ: Sau khoảng 2 tháng theo dõi, người dân ở địa phương đã xác định được vị trí chôn thi thể một chiến sĩ trên đường qua lộ 70 (QL53 ngày nay) bị bọn lính đồn Cây Trôm tại đầu ấp phục kích bắn chết. Bọn chỉ huy ác ôn của đồn này không cho các mẹ, các chị trong ấp xin xác chiến sĩ ta về chôn cất mà giữ lại để bêu xác thị uy, sau đó vùi xác anh tại hàng rào nhất của đồn.

Không thể để đồng đội nằm lạnh lẽo tại đó, mà phải đưa anh về nghĩa trang xã cho ấm cúng là quyết tâm của tất cả cán bộ tại ấp. Trong cuộc họp bàn về việc này khi anh Bảy Dũng nêu ý kiến ai là người xung phong thực hiện nhiệm vụ, tất cả đều giơ tay xin đi, nhưng ai là người trực tiếp bươi đất lấy xác đồng đội mình thì gặp ngắc ngứ.

Ai cũng biết nhiệm vụ này có nhiều hiểm nguy do địch luôn có ý canh phòng và thường gài chất nổ để giết người lấy xác bởi chúng biết chắc chắn lực lượng kháng chiến không hề buông bỏ đồng đội mình; nhưng ngắc ngứ ở đây không phải là các hiểm nguy chực chờ đó vì ai cũng sẵn sàng bám sát rào đồn làm lực lượng bảo vệ, mà cái chính là lấy một cái xác đã phân hủy khoảng hai tháng là một việc chưa ai từng làm…

Cuối cùng, với tư cách là người đứng đầu của tổ Đảng anh Bảy Dũng tình nguyện nhận nhiệm vụ đặc biệt đó về mình.

Anh Bảy kể, vừa lúc chuẩn bị ra đồn để làm nhiệm vụ, mẹ của anh đã đến gặp con mình, dù bản thân cũng đã có nhiều mặt con nhưng anh Bảy vẫn phải cố giấu đi các giọt nước mắt chực trào ra, khi bàn tay thô ráp của mẹ xoa nhẹ vào lưng trần của anh - y như cách bà dỗ dành lúc anh còn nhỏ…

Không khó để anh Bảy và các đồng đội tiếp cận mục tiêu vì vị trí này gần bờ sông, ai vào việc nấy, riêng đối với nhiệm vụ của mình, anh Bảy biết không thể nhầm lẫn nơi đồng đội mình nằm, bởi cái mùi đặc trưng của xác chết lâu ngày đã xộc vào mũi.

Có một thuận lợi là vùng địch vùi cái xác là một vũng bùn lầy, anh bậm môi luồn tay vào bùn để xác định vị trí cái xác, lời mẹ khi nãy “kỹ lưỡng nghe con!” nhắc anh cẩn thận, vì không ít lần kẻ địch đã gài lựu đạn vào xác người chết. Không ngóc ngách nào quanh cái xác mà bàn tay anh chưa đụng đến để cuối cùng dùng hết sức kéo cái xác ra sông sau khi ra ám hiệu cho đồng đội biết anh đã rút đi.

Không dễ dàng chút nào khi đưa xác đồng đội dưới nước một cách bí mật và trân trọng mà thoát khỏi tầm quan sát của bọn lính canh trong đồn, ngoài cách cõng thi thể trên lưng và anh đã làm như thế...

Nhiều bà con trong ấp có mặt nơi tiếp nhận xác người chiến sĩ để tắm rửa, tẩn liệm rồi đưa ngay ra nghĩa trang trong đêm. Riêng đối với anh Bảy, mẹ mau mắn đón anh về nhà, một cục xà bông hiệu Cô Ba - loại xà bông thơm bình dân thông dụng thời đó - và một nồi nước ngũ vị hương bốc khói đã đợi sẵn.

Sau khi tắm gội đến mòn cục xà bông cho thật hết mùi, mẹ anh nhẹ nhàng xối từng ca nước thơm ấm áp do chính tay bà nấu để “tẩy trần” cho con. Người mẹ - người đồng đội thân thiết nhất của anh, theo cách anh nói - không hề biết trong dòng nước ấm đó có nước mắt người đàn ông có đến năm mặt con hòa vào - anh Bảy Dũng xúc động nhớ lại…

Anh Bảy tâm sự với tôi, mẹ anh đối với anh không đơn thuần là một đấng sinh thành mà còn là một người đồng đội không chính thức vĩ đại.

Những bước đường đi kháng chiến của anh luôn có bóng dáng của mẹ, mẹ lo cho cả cái gia đình nhỏ của anh để anh an tâm lo chuyện của tổ chức phân công, năm đứa con anh ngay từ khi chào đời được ấm áp là do chính một tay bà nội lo tìm cây đốt thành than để sưởi, khi anh gặp khó khăn như chuyện anh nhận nhiệm vụ đặc biệt hôm đó lời mẹ dặn dò đã giúp anh thật bình tâm khi vào nhiệm vụ như vào một trận đánh.

Dù có nhiều con như thế, mà khi mẹ ra đi anh vẫn cảm thấy “bơ vơ” - một từ mà một người dày dạn trong chiến đấu như anh đã nói với tôi khi xa người mẹ thân yêu của mình!

HỒNG VÂN