Màu nắng của cha...

Cập nhật, 06:03, Thứ Tư, 22/02/2023 (GMT+7)
Những “áo trắng” luôn hy sinh thầm lặng. Ảnh: THANH SANG
Những “áo trắng” luôn hy sinh thầm lặng. Ảnh: THANH SANG
Cha tôi là thầy thuốc, trên bàn của ông luôn có bức tượng của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và cuốn sách “Các loại cây thuốc Việt Nam” dày cộp của TS, dược sĩ Đỗ Tất Lợi. Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) là một ngày hệ trọng đối với ông.
 
Ông nói: Ngoài ngày sinh nhật ra thì đây là ngày sinh thứ hai của ông. Vì ngày đó, ông là trường hợp đẻ khó mà y học thì chưa tiên tiến như bây giờ. May thay có bà mụ trong xã, đã dùng kinh nghiệm dân gian lâu đời truyền lại, thêm sự may mắn mà “mẹ tròn con vuông”.
Lớn lên, ông xem bà mụ như người mẹ nuôi thân yêu của mình và đã quyết chí đi học nghề y. Khi tuổi về già mắt nhìn đã kém, tay cầm bơm tiêm đã run, ông chuyển sang học thêm nghề đông y bốc thuốc nam cho dân làng và họ cứ gọi ông là “thầy”. Ông bảo có hai nghề được mọi người tôn trọng gọi là thầy, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Thầy thuốc chữa bệnh cứu người, thầy giáo dạy chữ nên người.
Thầy giáo là “ kỹ sư tâm hồn” thì thầy thuốc không chỉ chăm lo sức khỏe cơ thể mà còn “sức khỏe tinh thần” bằng y đức trong sáng của mình. Một sự sai lầm của các nghề khác thì có thể còn làm lại được nhưng sai lầm của nghề y là chết người, không sửa chữa được. 
 
Hồi nhỏ, tôi thường theo ông đi trực đêm ở trạm xá mới biết những “đêm trắng” của cha. Đêm trắng với chiếc áo blu màu trắng sáng như màu nắng trong đêm sưởi ấm, xoa dịu những cơn đau của người bệnh không chỉ bằng thuốc thang mà bằng cả sự ân cần chu đáo qua ngón tay bắt mạch, qua ánh mắt nụ cười, qua lời động viên. Đêm, nghe tiếng ho của người bệnh ông cũng trăn trở không yên.
 
Trước hàng hiên phòng trực, ông trồng mấy khóm hoa nhài. Đêm, hoa nhài tỏa hương lặng lẽ. Hương nhài như tỏa ra từ hương nắng của màu áo trắng blu của cha. Cạnh cửa sổ của phòng sản trực hộ sinh ông trồng một cây hoa sữa.
 
Cả hoa sữa và hoa nhài đều màu trắng tinh khiết của màu nắng. Có lần tôi hỏi ông về ý nghĩa dấu chữ thập đỏ (+) và hình ảnh trăng lưỡi liềm đỏ - Đó là hai phong trào nhân đạo quốc tế hoạt động trong ngành y. Cha tôi giải thích rất bình dị cụ thể mà cũng rất hình tượng hợp với tuổi nhỏ của tôi: Dấu cộng là để cộng thêm tình thương yêu nhân loại, xoa dịu đi nỗi đau của người bệnh, của những mảnh đời còn hao khuyết như vành trăng lưỡi liềm, để mong muốn một sự tròn đầy vành vạnh vẹn nguyên hạnh phúc.
 
Có thể nói, nghề y của cha tôi là một nghề đặc biệt không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn cả tấm lòng người mẹ “lương y như từ mẫu”. Ông quen thuộc thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu thời tiết và cơ địa con người nghèo khó của vùng đất quê tôi. Ví như: Cùng cắt một bài thuốc cảm nhưng ông hỏi người bệnh quê ở đâu? Nếu là dân miền biển thì ông “chế” thêm vài vị bởi ở biển ăn nhiều cá nhiều đạm khác với người nông thôn miền rừng. 
 
Màu nắng trong đêm của cha cứ lặng lẽ cảm thông, nghe ngóng từng hơi thở từng nhịp đập con tim, từng giọt chuyền sự sống. Tôi đã từng say mê đọc cuốn tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” viết về nghề y của Nhật Bản.
 
Đó là chùm đèn trong phòng mổ của người thầy thuốc khi họ cầm dao để cắt đi những khối u ác tính mang lại mạch đập bình yên hồi sinh sự sống cho người bệnh. Đèn không hắt bóng lên màu nắng trong đêm của tấm áo chuyên dụng ngành y mà choàng xuống ánh nắng tinh khiết, tinh lọc thật trong veo.
 
Cha tôi và đồng nghiệp nhìn nhau bằng ánh mắt cảm thông, hiểu nhau từng động tác nhỏ. Cả kíp mổ uyển chuyển hòa điệu vào nhau như một cơ thể của sự sống. Màu nắng trong đêm là sự giao thoa đồng cảm, đồng điệu và đồng tình…
 
Hà Tĩnh, ngày 17/2/2023
HÀ HUY