Ra sông mùa cá lòng tong

Cập nhật, 07:04, Thứ Tư, 25/01/2023 (GMT+7)

(VLO) Dòng sông chuyển màu đục ngầu khi con nước “quay” cùng những cơn mưa bất chợt đầu mùa báo hiệu một mùa nước nổi sắp về. Thời điểm này hàng năm cũng là lúc nhiều hộ dân ở cù lao xã An Bình, huyện Long Hồ mang theo lưới chạy xuồng ra sông Cổ Chiên bắt cá lòng tong. Đa phần trong số họ là những hộ có ít đất canh tác, tranh thủ kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Cũng giống như con cá linh, cá lòng tong đã quá quen thuộc với nhiều người dân miền Tây và hiện được xem là đặc sản của vùng sông nước, con to hết cỡ chỉ bằng ngón tay người lớn nhưng ăn béo ngậy. Tuy nhiên, cá lòng tong có rải rác quanh năm và xuất hiện nhiều vào mùa sinh sản từ tháng 5, tháng 6 âm lịch tùy con nước “quay” sớm hay trễ.

Theo người dân ở cù lao, năm nay mùa mưa đến sớm nên con nước “quay” cũng xuất hiện sớm hơn mọi năm. Tuy nhiên, việc thả lưới bắt cá lòng tong không diễn ra xuyên suốt vì loài cá này chỉ “chạy” ở một số thời điểm của con nước “quay”, nhưng lại mang đến thu nhập đáng kể.

Thế nên, người dân cù lao luôn trông chờ con nước “quay”, giống như bà con ở thượng nguồn sông Mekong ngóng trông mùa nước nổi mang theo những sản vật mà “mẹ thiên nhiên” ban tặng.

Buông lưới bắt cá lòng tong trên sông Cổ Chiên.
Buông lưới bắt cá lòng tong trên sông Cổ Chiên.

Đón con nước “quay” năm nay, chú Phạm Thanh Hồng chuẩn bị sẵn 4 tay lưới để bắt cá lòng tong. Hôm chú chuẩn bị đi thả lưới, tôi xin theo cùng để được trải nghiệm nghề “bà cậu” này.

Chú Hồng mang theo 2 tay lưới, 1 chai xăng dự phòng rồi nổ máy chạy xuồng ra sông Cổ Chiên. Chiếc xuồng nhỏ chòng chành theo con sóng di chuyển hướng về cầu Mỹ Thuận, khi cách bờ một đoạn hơn 60m, chú Hồng tắt máy và một tay vừa buông lưới, một tay khua dầm bơi vào bờ.

Lưới thả trên sông có gắn cố định cờ hiệu màu đỏ ở đầu xa bờ để ghe, tàu dễ quan sát mà biết đường “né”, còn đầu lưới phía gần bờ được cột vào mũi xuồng.

Cứ thế chú Hồng canh đầu lưới phía xa bờ mà khua dầm bơi chiếc xuồng nương theo dòng nước cho tay lưới có “tùng” (lưới trôi theo hình vòng cung).

“Tập tính của cá lòng tong ở sông lớn thường bơi theo đàn từ ngoài vào bờ hoặc ngược lại nên phải thả cho lưới có “tùng” thì mới dính nhiều cá. Nhưng cũng hên xui vì còn tùy thuộc vào thời gian thả, con nước lớn hoặc ròng,…” - chú Hồng cho hay.

Sau gần một giờ đồng hồ, chú Hồng cuốn lưới lên. Mẻ lưới đầu tiên không đến nỗi nào, cá lòng tong mắc lưới cũng bộn, con nào con nấy vàng óng ánh. Cuốn hết tay lưới lên khỏi mặt nước và cột lại để một bên khoang xuồng, chú Hồng lấy một tay lưới khác thả tiếp tục.

Nếu trúng đậm một mẻ lưới có thể bắt được hơn 10kg cá lòng tong.
Nếu trúng đậm một mẻ lưới có thể bắt được hơn 10kg cá lòng tong.

Việc thả lưới bắt cá lòng tong cứ như thế tiếp diễn cho đến khi con nước lớn chừng vài giờ sau đó.

Thoạt nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng công việc này khá vất vả, đòi hỏi người thả phải có kỹ năng xử lý tình huống, nếu không cuốn kịp lưới sẽ tấp vào lồng bè của các hộ nuôi cá, hoặc chân vịt của tàu, ghe chạy vướng vào làm rách lưới, thậm chí mất luôn tay lưới như chơi.

Chưa kể phải có ít nhất 3 người ở nhà giũ cá và làm sạch thì mới kịp cân cho thương lái.

Hai tay lưới chú Hồng vừa đi thả về ước chừng hơn 3kg cá. Chúng được treo ngang qua thanh sắt, một người phăng lưới, còn hai người cầm hai mép lưới giũ thật mạnh, con cá nào không văng ra thì dùng tay gỡ.

Cá lòng tong rất mau bị ươn nên khi vừa gỡ xong phải nhanh chóng cắt bỏ phần đầu và ruột rồi ướp đá để giữ độ tươi ngon. Loại cá này được thương lái đến tận nhà mua với giá từ 90.000 - 100.000 đ/kg.

Hôm nào “trúng mánh”, chú Hồng có thể bắt được 15 - 20kg cá, tương đương gần 2 triệu đồng. Thấy “làm ăn” được, ngày càng có nhiều người đầu tư xuồng, lưới ra sông đánh bắt.

Cá lòng tong được thương lái đến nhà mua 90.000 - 100.000 đ/kg, ngư dân có thêm thu nhập.
Cá lòng tong được thương lái đến nhà mua 90.000 - 100.000 đ/kg, ngư dân có thêm thu nhập.

Ở một đoạn sông Cổ Chiên khác - hướng về phà An Bình tập trung nhiều người đánh bắt nên phải phân chia “tài”. Đậu xuồng cặp lồng bè và ngồi chờ đến lượt mình, anh Nguyễn Văn Thum nói vừa thả xong một giác lưới nhưng chỉ được vài trăm gram.

“Nghề bà cậu lúc trúng lúc thất là chuyện bình thường. Nhưng quy tắc đánh bắt ở đây trước giờ là như vậy, ai đến trước thả lưới trước, người đến sau phải đợi theo thứ tự. Mọi người đều tuân theo, không có chuyện tranh giành hay cự cãi gì cả” - anh Thum cho biết.

Người dân sông nước miền Tây có nghĩa có tình là như vậy. Nhưng để tăng thêm thu nhập, một số ít hộ còn tranh thủ thả lưới vào buổi tối.

Theo họ, thời điểm này cá “chạy” nhiều hơn, nhưng đổi lại sẽ đối mặt nhiều rủi ro. Đó là việc lưới dễ bị rách khi mắc phải gốc cây, nhánh chà chảy trên sông, xui thì bị ghe, tàu cuốn lưới, họ phải mất một vài hôm để kết lại tay lưới mới.

Do đó, nếu thả lưới vào buổi tối phải đầu tư thêm tiền gắn đèn phát sáng vào các phao lưới để các phương tiện biết đường tránh.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng cứ đến mùa cá lòng tong thì người dân lại rủ nhau thả lưới nhộn nhịp cả một khúc sông. Họ phấn khởi từ số tiền kiếm được bằng chính công sức, mồ hôi của mình.

Phiên chợ sớm mai, mọi người sẽ có cá tươi để chế biến món ngon, còn các hộ dân có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. 

Bài, ảnh: PHẠM PHONG