Ra khơi đón Tết với Trường Sa

Kỳ 3: Từ An Bang qua Đá Đông

Cập nhật, 10:11, Thứ Ba, 17/01/2023 (GMT+7)

Cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo Thuyền Chài 21 hải lý về phía Tây Nam, hải trình tiếp tục cưỡi trên những con sóng lớn xa khơi trùng trùng.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 11 làm nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 11 làm nhiệm vụ.

Giữa bốn bề sóng vỗ

Đảo An Bang là một trong những đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, nằm trên thềm san hô ngập nước. Khi thủy triều xuống thấp, độ cao của đảo khoảng 3m, mép bờ đảo xa thêm khoảng 50m.

Đảo An Bang nằm gần đường hàng hải quốc tế tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới. Để phục vụ cho hoạt động hàng hải, đèn biển trên đảo đã được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1996. Trên các hố của thềm san hô có nhiều loài tôm, cá quý hiếm như cá ngừ, cá mú, tôm hùm,… rất thuận tiện cho đánh bắt, chế biến, xuất khẩu.

Đảo An Bang.
Đảo An Bang.

Điều thú vị mà chúng tôi nghe kể, là đảo có “bãi cát biết đi” và nhìn bờ cát có thể đoán mùa trên đảo. Bờ Tây của đảo là một dải cát hẹp; còn bờ Nam là bãi cát thường thay đổi theo mùa: từ tháng 4 - 7 hàng năm, được bồi thêm cát thành một bãi cát dài; nhưng từ tháng 8 trở đi, bãi cát này dần biến mất và dịch sang bờ phía Đông của đảo.

Tàu chúng tôi đã đến và neo bên đảo lúc đêm, sáng sớm từ boong tàu thấy đảo như đã ở ngay bên mình. Cấu trúc san hô dựng đứng nên đảo có bốn mùa sóng vỗ. Việc ra vào đảo gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang vào đúng mùa sóng dữ đã không thể vào đảo.

Đó là tin “hổng vui chút nào”, do sóng to thời tiết xấu nên chỉ một vài phóng viên đại diện lên đảo. Trong khi đó, các cán bộ, chiến sĩ vẫn thực hiện nhiệm vụ, tính toán thời điểm phù hợp sử dụng xuồng chuyển tải để đưa hàng hóa, quà Tết từ đất liền ra đảo xa.

“Chúng tôi phải bảo quản hàng hóa trong các túi chống nước, bọc kín và cắt cử ca kíp để chuyển từ tàu xuống xuồng. Và từ xuồng vào đảo phải chạy dựa trên những con sóng, lựa sóng êm để hàng hóa an toàn lên đảo” - Trung úy Trần Trung Kiên - quân nhân chuyên nghiệp Tàu 561 (Vùng 4 Hải quân) cho biết.

Từng món quà được nâng niu, cẩn trọng mang trọn vẹn niềm vui, hơi ấm mùa xuân đến cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Tiếp nhận quà từ đất liền, Thượng tá Nguyễn Công Chính - Chính trị viên đảo Trường Sa, bày tỏ: “Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, quân và dân, các lực lượng làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Chúng tôi sẽ tổ chức cho bộ đội đón Xuân vui vẻ, đầy đủ ý nghĩa nhất”.

Từng món quà Tết được bảo quản cẩn thận, từ tàu chuyển lên đảo.
Từng món quà Tết được bảo quản cẩn thận, từ tàu chuyển lên đảo.

Vui Xuân đón Tết sẵn sàng chiến đấu cũng là làm nhiệm vụ chung của lính đảo giữa biển trời tiền tiêu của Tổ quốc. Thiếu tá Nguyễn Đình Tứ - Trạm trưởng Trạm Ra đa 11 (đảo Trường Sa) cho biết: “Dịp Tết kế hoạch của đơn vị là quán triệt 100% cán bộ, chiến sĩ vẫn vững tinh thần sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt các phương án luyện tập, chiến đấu. Cụ thể, đơn vị mở máy theo phiên, mở máy tăng cường nhằm phát hiện các mục tiêu lạ, vừa đảm bảo đón Tết vui tươi, vừa sẵn sàng chiến đấu”.

Những vườn rau “treo” trên đảo Đá Đông

Tàu rời đảo An Bang có chút tiếc nuối, nhưng thời tiết trên biển vẫn không thuận lợi nhưng chúng tôi được Trưởng đoàn công tác thông báo lên đảo theo từng nhóm với thời gian cụ thể. Đảo Đá Đông (A, B, C) có vị trí vô cùng quan trọng, nơi chốt giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo, điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển dài ngày đánh bắt hải sản.

Đón chúng tôi từ bến lên đảo, Thiếu tá Lê Hồng Quang - Chính trị viên đảo Đá Đông B, bắt tay thật chặt và cho biết cán bộ, chiến sĩ luôn ngày đêm nêu cao cảnh giác, trực chiến. Đặc biệt, đơn vị đã làm tốt công tác hỗ trợ để tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ khi gặp khó khăn, trở ngại.

“Dù có xa đất liền và thời tiết khắc nghiệt, nhưng với sự quan tâm của Bộ Tư lệnh, đồng bào; cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ không thiếu thốn gì. Trên đảo anh em chiến sĩ đón Tết phấn khởi vui tươi với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao”.

Cùng với đó, theo Thiếu tá Lê Hồng Quang, việc học tập và làm theo Bác đã thấm sâu vào trong nhận thức, tư tưởng, hành động trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đây là một trong những nội dung sinh hoạt thường kỳ.

Qua đó, từng cán bộ, chiến sĩ cụ thể hóa các bài học, lời dạy của Bác để học tập và rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, an tâm công tác, nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Những việc làm tốt, cách làm hay cũng nhanh chóng được nhân rộng. “Tuy đảo có vị trí đóng quân hẹp, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn tận dụng những điều kiện có được để nuôi gia súc, trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày” - Thiếu tá Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

Điểm đảo Đá Đông B có đến “2 khu vườn bí mật” - theo cách nói vui của chiến sĩ, bởi các vườn rau được xây tường kiên cố bao quanh, che chắn rất cẩn thận. Theo chân Trung úy Nguyễn Ngọc Khánh, chúng tôi đến vườn rau đầu tiên với các loại rau cải, rau muống, quế, ngò tàu… tươi tốt.

Để tránh gió, nước biển, rau cải còn được “làm nhà” bằng bọc nilon. “Chưa hết đâu, còn vườn rau trên cao nữa”- Trung úy Khánh dẫn chúng tôi đến cầu thang gỗ và lên khu vườn đầy rau xanh với những lá mồng tơi to hơn bàn tay.

Để có những vườn rau tươi tốt giữa biển khơi trong điều kiện khắc nghiệt, Trung úy Nguyễn Ngọc Khánh bảo: “Rau xanh rất kỵ gió, hơi muối, nước biển. Khi trời gió, sóng biển lên cao thì phải đậy lại cho rau tránh gió.

Rau trồng ngoài đảo phải xử lý ngâm giống, làm đất thật kỹ càng vì đất rất dễ bị nhiễm mặn và phải thật tơi xốp. Mùa từ tháng 5 - 8 biển êm, ít gió, nắng nhiều cây phát triển thuận lợi, còn mùa cuối năm khó khăn hơn nắng ít mưa nhiều, gió mạnh, biển động… nên chúng tôi phải chăm rau như chăm… em bé. Như thế để đảm bảo bữa ăn cho chiến sĩ trên đảo có lượng rau cần thiết”.

Các luống rau trên “vườn treo” được tính toán gieo trồng, thu hoạch luân phiên, hết lứa này lại trồng nối lứa khác để luôn có rau. Theo Trung úy Khánh, các chuyến tàu từ đất liền chở lương thực thực phẩm cần thiết ra đảo, thì “giống rau và đất cũng là thứ quý giá bà con đất liền gửi ra cho chúng tôi”.

Cùng với việc trữ nước mưa để tưới rau và sinh hoạt, nguồn năng lượng tái tạo cũng được cán bộ, chiến sĩ khai thác và vận hành tốt. Giới thiệu với chúng tôi hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời, Trung úy Nguyễn Ngọc Khánh cho biết: “Đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, thắp sáng trên đảo khá tốt.

Ngoài đảo việc lắp đặt đã khó, vận hành còn khó khăn gấp đôi vì điều kiện thời tiết sóng to gió lớn tác động đến quá trình hoạt động bình thường của các hệ thống. Ví dụ, hơi muối mặn bám lên các thiết bị gây han gỉ. Hàng năm các cơn bão, cơn gió cường độ lớn làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của thiết bị.

Chính vì thế, lính đảo phải luôn có giải pháp sáng kiến để vận hành hệ thống, tỉ mỉ và cẩn thận hơn. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng kịp thời xử lý các sự cố. Thường xuyên lau sạch hơi muối bám trên bề mặt các tấm pin, vết han gỉ ở chân quạt đảm bảo sự hoạt động bình thường”.

 

Thời gian neo lại bên đảo như trôi qua thật nhanh. Sau những phút thăm hỏi bộ đội trên đảo, chúng tôi phải xuống xuồng về lại tàu. Xuồng chuyển tải rời đảo nhỏ thân thương trên những con sóng nối nhau bất tận. Chưa bao giờ cảm nhận về mảnh đất biển đảo quê hương lại thiêng liêng và gần gũi như lúc này!

>> Kỳ cuối: Ngày rực rỡ trên Trường Sa Đông

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC