Mấy câu chuyện những ngày nước ngập

Cập nhật, 00:28, Thứ Hai, 17/10/2022 (GMT+7)

 

Đường phố nước ngập lênh láng.
Đường phố nước ngập lênh láng.

Sau ngày đầu hào hứng đăng hình ảnh, video nước vào đô thị, le lé nền nhà, ngập tràn đường phố… Người dân thành phố đã “thấy sợ” và hết còn “giỡn mặt” với con nước triều cường những ngày qua, lên rất nhanh, ngập rất sâu mà ở lại cũng… rất lâu.

1. Tiếng tát nước ầm ào, lội nước bì bõm, vật dụng thường ngày đều phải kê lên cao hết, chống ngập bằng những gì mình có - chất bao cát, phủ bạt nilon, máy hì hục liên tục bơm nước ra khỏi nhà… là những âm thanh, hình ảnh “quen thuộc” của người dân thành phố thời gian này. Thời gian thư thả thể dục buổi sáng đã dành cho việc quét dọn, lau chùi nhà cửa, sân bãi khi nước rút đi. “Chưa bao giờ nước ngập cao và kéo dài như này”- người dân cảm thán vì đã mấy ngày xấc bấc xang bang vì triều cường. Nhiều hàng quán, cửa hàng buôn bán đã phải đóng cửa tạm nghỉ.

Qua đợt triều cường này cho thấy, rất nhiều đường hẻm, khu nhà ở TP Vĩnh Long đang rất thấp so với mực nước lớn và phải chấp nhận “sống chung” bất đắc dĩ với nước ngập. Khi đường phố được nâng cấp thì các con hẻm càng thấp và ngập sâu hơn. Nếu có một thống kê bao nhiêu nhà dân bị ngập, thiệt hại tài sản do đợt triều cường, tôi nghĩ sẽ là con số không nhỏ.

Ngồi chờ con nước rút hàng ngày, anh Bách ở Phường 3 dí dỏm: “Một năm hai tháng/Một tháng hai đợt/Một đợt hai ngày/Một ngày hai lần/Một lần hai tiếng/Nói chung rất là vui...” Anh bảo dùng “một - hai” cho nó vần, chớ thực tế riêng đợt này đã sống chung với nước tràn vào nhà đến 5 ngày rồi.

Không chỉ là cuộc sống nhiều gia đình gần như đảo lộn, mà việc lo cho con cái cũng là chuyện nan giải. Khi thành phố thông báo cho học sinh nghỉ học 3 ngày, phụ huynh mừng nhưng vẫn phải tính toán xin nghỉ việc ở nhà trông con hay vẫn phải “chạy trên mặt nước” chở con về quê gửi người thân? Rồi chiều lại rước con trở ngược lại thành phố. Đường nào cũng… chỉ có “chạy trên mặt nước”!

2. Triều cường cũng “canh” lúc ngay giờ đi làm, đi học buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều để mà… dâng cao. Vậy nên, mọi người rất lúng túng và không thể lường trước “nước ngập tới lưng quần, xe chết máy chỉ có dắt bộ”. Mọi xe cộ đều dồn về đường Trưng Nữ Vương - tuyến đường không bị nước nhấn chìm trong nội ô thành phố, gây ra tình trạng ùn ứ, muốn đi tới không được mà lùi cũng không xong.

Thực tế đợt triều cường này, bản tin cảnh báo ngập lụt của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh phát ngày 8/10 dự báo khá chi tiết thời gian đỉnh triều xuất hiện, mực nước cao nhất tại các địa điểm trong tỉnh, nhất là từ ngày 9 - 12/10 có khả năng vượt lũ lịch sử năm 2019, trên báo động III từ 0,40 - 0,50m. Tuy nhiên, đến sáng thứ hai 10/10, học sinh vẫn bì bõm lội nước tới trường và sau đó mới được thông báo cho nghỉ học.

Người dân có phần chủ quan vì không nghĩ nhà ở, khu phố mình xưa giờ chưa từng ngập lại “thất thủ” với con nước đợt này. Lẽ ra, từ các con số dự báo, ngành chức năng, các cơ quan, doanh nghiệp cần tính toán từ trước để điều chỉnh lịch làm việc, học hành của đơn vị mình phù hợp và đảm bảo an toàn cho công nhân lao động, học sinh.

3. Có đường nào mà hổng ngập nước đâu!

Trong đợt triều cường cao ngút này, người dân thành phố kết luận như vậy. Thực tế trong nội ô, ngoài đường Trưng Nữ Vương, Mậu Thân mới được nâng cấp, thì hầu như các đường khác đều ngập.

Nhiều người dân đứng “chôn chân” hơn 30 phút trên cầu Lộ nói với nhau mong ước, rằng: Hiện nay các tuyến đường đã có camera an ninh, công nghệ thông tin đã ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống… sao các đơn vị chức năng không tận dụng để cảnh báo cho người dân tham gia giao thông mức độ nguy hiểm nên tránh và hướng dẫn đi tuyến nào ít ngập hơn? Hoặc cảnh báo thời gian cụ thể nước ngập sâu để người dân sắp xếp công việc, phương tiện tránh đi vào giờ cao điểm ngập?... Bây giờ không thiếu các kênh thông tin trực tuyến và trực tiếp.

Qua con nước này, rất cần một kế hoạch, dự án chống ngập hiệu quả ngay tức thì cũng như mang tính khoa học, bền vững lâu dài.

Bài, ảnh: LÝ AN

  •