An ninh nguồn nước là bảo vệ sinh mệnh đồng bằng

Kỳ cuối: Những bài học nơi cuối dòng Mekong

Cập nhật, 05:56, Thứ Bảy, 08/10/2022 (GMT+7)
Điện gió ở Bạc Liêu.
Điện gió ở Bạc Liêu.

(VLO) Hàng chục siêu đập thủy điện cùng hàng trăm dự án ngăn dòng, đã “chặt khúc”, biến dòng sông hùng vĩ trở thành những hồ chứa nước khổng lồ.

Đặt vấn đề an ninh nguồn nước, là xác định những mối nguy cơ bên trong lẫn bên ngoài; nhưng đồng bằng trước mắt, cần giải quyết những vấn đề mang tính cấp thiết của nội vùng. Kiên trì thay đổi nhận thức người dân trong canh tác, sinh hoạt tôn trọng những giá trị văn hóa, tuân theo những quy luật của sông nước, làm nền tảng cho sự phát triển xanh, bền vững.

Cùng với đó, quy hoạch và quản lý nguồn nước của từng địa phương cần thống nhất và không phá vỡ định hướng chung của toàn vùng.

Thay đổi nhận thức từ cộng đồng dân cư nhỏ

Từ những thay đổi nhận thức của từng người dân sẽ góp phần tạo chuyển biến chung trong cộng đồng xã hội về thái độ ứng xử, đồng thời khôi phục và phát huy những giá trị nền tảng của văn hóa sông nước đã được hình thành qua hàng trăm năm nay.

Bắt đầu công cuộc khai phá miền Hậu Giang, khi thực hiện 2 công trình lớn là kinh xáng Xà No và kinh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, người trước đã nghiên cứu rất kỹ, đã tôn trọng quy luật, tập tính nguồn nước đồng bằng. Hệ thống kinh chính và kinh sườn phải dựa trên hai nguyên tắc: Nước phải chảy và có màu đục, tức là nước bạc có phù sa.

Nước chảy để giao thương, buôn bán; nước đục là để phục vụ sản xuất lúa. Giờ thì các nguyên tắc này đã bị phá vỡ, một số con kinh sườn càng gần về vùng mặn trở thành những dòng kinh “chết” ngưng đọng, ô nhiễm. Triệt tiêu nguồn nước nội đồng.

Lúa mùa nổi ở An Giang.
Lúa mùa nổi ở An Giang.

Cùng với đó là chuyển đổi canh tác không phù hợp, làm vườn trong miệt bưng như: An Giang, Đồng Tháp bơm nước ra hết cho đất khô, vườn mọc đầy dưới ruộng, trong khi đó là nơi trữ nước. Đưa loại hình sản xuất không phù hợp sinh thái làm mất nguồn nước tự nhiên. Vùng trũng bưng biền đồng bằng có năng lực lưu trữ 4 - 5 tỷ mét khối nước quanh năm, như “của trời cho” đã bị từ chối.

Do đó, khi khô hạn thì toàn vùng đều thiếu nước; càng rút nguồn nước ngầm nhiều hơn, càng đẩy nhanh quá trình sụt lún ở nhiều nơi. Trong khi đó, tập quán trữ nước mưa miệt biển, những hình thức trữ nước truyền thống trong các ao, mương miệt vườn, miệt ruộng cũng dần bị lãng quên.

Với ĐBSCL, việc khôi phục lại một phần diện tích nhất định vùng trồng lúa mùa nổi ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, hoặc canh tác 2 vụ cộng 3 tháng mùa nước nổi là một trong những giải pháp cần thiết, cùng lúc đạt nhiều mục tiêu.

Đây cũng là một trong những hướng đi giúp giải quyết bài toán bổ sung nguồn nước cho những tiểu vùng khi khô hạn, sẽ hiệu quả, linh hoạt hơn nhiều những dự án về xây dựng các công trình hồ chứa nước đã và đang chuẩn bị triển khai ở một số địa phương.

Theo TS Nguyễn Văn Kiền, sau một số địa phương ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, dự án trồng lúa mùa nổi sẽ được Tổ chức Lương thực thế giới hỗ trợ, để tiếp tục triển khai ở một số khu vực các nước thượng nguồn.

Những chương trình hành động như thế này sẽ mang tính kết nối, đồng thời tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của những cộng đồng cư dân cùng mưu sinh trên một dòng sông.

Tuy nhiên, cũng cần có những thay đổi tập quán canh tác không còn phù hợp nữa tùy theo vị trí địa lý, sinh thái của từng địa phương khác nhau. Với địa thế đặc thù nơi cuối dòng sông Hậu, cù lao Dung (Sóc Trăng) tựa như đồng bằng thu nhỏ với các hệ sinh thái vô cùng đa dạng, phong phú.

Nhưng theo ông Hai Văn (Nguyễn Thành Văn - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung): “Hồi xưa, người dân chỉ biết trồng lúa mùa 1 vụ với diện tích rất ít, còn lại là rừng bao la. Cho đến những năm 1985- 1986 thì đã chuyển qua trồng lúa 2 vụ, mà gần như làm ví bồ để ăn, tự cung tự cấp là chính.

Chỉ đến khi cù lao này từ bỏ cây lúa, để trồng mía, nuôi tôm và lên liếp lập vườn cây ăn trái, phát huy tối đa cả 3 thế mạnh mặn, ngọt và lợ vùng này, từ đó mới khá, giàu lên nổi”.

Đồng bằng hãy tự cứu mình trước!

Xuôi theo Quản Lộ - Phụng Hiệp tới giáp tỉnh Cà Mau, rồi trở về chợ nổi Ngã Năm theo sông Mái Dầm đi ra phía sông Hậu, một cung đường còn tồn tại 4 miệt sinh thái. Qua đó, điều dễ nhận thấy là lối canh tác của người dân và công tác quản lý nguồn nước từ cấp xã đến cấp vùng có nhiều bất cập.

Tình trạng bơm nước mặn nuôi tôm, theo áp suất thẩm thấu cả vùng bị nhiễm mặn bắt buộc phải chuyển đổi nuôi tôm. Người ít vốn liếng, không kinh nghiệm phải bán đất cho người nuôi tôm kế bên.

Phần đông là gia đình đi về các khu công nghiệp tìm việc làm. Sự biến động hệ sinh thái đã tạo nên những dòng di dân bất đắc dĩ.

Năng lượng mặt trời ở An Giang.
Năng lượng mặt trời ở An Giang.

TS Dương Văn Ni đang thực hiện ghép bản đồ ngày xưa được thực hiện từ 1950. Mỗi 5 năm tái tạo một bản đồ sẽ thấy 4 miệt sinh thái càng về sau càng rối loạn do đắp đê và do lối canh tác không tuân theo quy luật tự nhiên. Nhìn lên bản đồ sẽ nhận ra cách sử dụng đất bắt đầu phá vỡ cấu trúc sinh thái.

TS Dương Văn Ni, cho rằng: “Làm sao để người dân sống được trên mảnh đất của chính mình. Hậu quả của không quản lý nguồn nước tốt, không sống nổi nên mới bỏ xứ đi.

Hết thế hệ này đến thế hệ khác chồng chồng nhau. Phải tìm cây con và kỹ thuật phù hợp với từng vùng sinh thái. Tập trung vô tầng lớp nghèo nhất. Có nước mặn thì cây con gì? Nước lợ thì cây con gì?”.

Tuy nhiên, theo ông, đó cũng chỉ là cách trước mắt, nhưng chưa giải quyết được căn cơ. Phải “hà hơi tiếp sức” cho toàn vùng, nhưng giải bài toán phải đi từ thực tế của người sản xuất, chứ không phải từ ý chí của người quy hoạch. Muốn làm như vậy thì phải kết thành một chuỗi, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Trong 3 năm nay, TS Dương Văn Ni, đã âm thầm xây dựng 5 mô hình ở Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang giúp nông dân vừa canh tác, vừa tái tạo lại cấu trúc sinh thái của từng vùng, với đội ngũ trí thức trẻ giúp khâu quản lý, kỹ thuật và thị trường. Nhận nguồn vốn hỗ trợ thành lập quỹ xã hội, trích phần trăm để vận hành, còn lại đầu tư hết cho nông dân.

Điển hình, tại Ngã Năm, cây năn bộp ăn khúc gốc, còn đoạn trên nuôi heo rừng, lấy nước thải, phân qua hệ thống xử lý an toàn, cho xuống kinh mương nuôi cá đồng. Hình thành chuỗi sản xuất khép kín, tuần hoàn. Dần trở về tự nhiên, nhưng phải đi liền với câu chuyện hiệu quả kinh tế cao.

Về mặt quy hoạch tổng thể, cần có sự dẫn dắt chung cho toàn vùng, tránh “sự lạc nhịp trong dàn hợp xướng” chung của đồng bằng.

Đặc biệt, cần hướng đến nguồn năng lượng xanh, như điện gió, năng lượng mặt trời… Kinh tế khủng hoảng có thể phục hồi, nhưng sự kiệt quệ của hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên là sự mất mát tính hàng chục năm, trăm năm, cũng có thể là sự mất đi vĩnh viễn.

Tuy nhiên, cũng đã có những tín hiệu đáng mừng, khi ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông năm 2022, đã nêu bật tầm quan trọng của các dòng sông đối với đa dạng sinh học. Bởi các con sông là chìa khóa để khôi phục và duy trì đa dạng sinh học thế giới và cũng là nơi có hoạt động mạnh nhất của con người.

Đặc biệt, ngày 23/6/2022, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký Kết luận số 36 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là cơ sở vững chắc, để chúng ta tin tưởng rằng đồng bằng sẽ có những bước đi phù hợp “chỉnh nắn” lại định hướng, quy hoạch chung cho toàn vùng mà trong đó, vấn đề an ninh hệ sinh thái nguồn nước như nhiệm vụ hàng đầu, để bảo vệ an toàn sinh mệnh đồng bằng!

Chương trình Nước quốc gia do Ngân hàng Thế giới triển khai sẽ hỗ trợ Việt Nam đảm bảo an ninh nguồn nước và năng suất sử dụng nước thông qua 3 trụ cột chính là: duy trì nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; tăng năng suất và hiệu suất sử dụng nguồn nước; đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY