Những ngày mưa ở Hòn Sơn

Cập nhật, 17:42, Chủ Nhật, 21/08/2022 (GMT+7)

 

Du khách hào hứng đặt chân lên Hòn Sơn.
Du khách hào hứng đặt chân lên Hòn Sơn.

Chuyến tàu ra Hòn Sơn (thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) buổi sáng đầu tháng 8/2022, thời tiết âm u và sóng gió lớn. Nhiều hành khách bị say sóng “tối tăm mặt mũi”… chỉ muốn quay về đất liền ngay, nhưng mở mắt ra thấy đảo xanh sừng sững giữa đại dương mênh mông đã vội mau vuốt lại tóc, cười thật tươi “check in”: Đặt chân lên Hòn Sơn rồi nhe!

Chúng tôi trở lại Hòn Sơn sau gần 4 năm, để tìm lại cây dừa nằm, hòn đá dựng, thăm những bãi đá tròn lụi rải khắp quanh đảo; để xuống Bãi Bàng tắm biển bao la dừa xanh mướt, leo lên đỉnh Ma Thiên Lãnh ngắm toàn cảnh một vùng trời biển Tây Nam với hàng trăm đảo lớn nhỏ tít xa khơi… Gặp lúc những ngày mưa liên tục, kế hoạch leo núi không thực hiện được, dù vậy, thời tiết cũng ưu ái sáng mưa chiều hửng nắng cho du khách chạy xe vòng quanh, lặn biển ngắm sang hô, thưởng thức hải sản bên bờ sóng vỗ ầm vang… Chúng tôi có nhiều thời gian hơn chiêm ngắm hòn đảo được xem là kiệt tác của thiên nhiên này.

Tuyến đường xuyên đảo hôm nay đã mở rộng, du khách có thể vừa chạy xe vừa thả hồn vào cảnh sắc thơ mộng, nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan biến khi có chiếc xe ba gác chở vật tư xây dựng bóp còi inh ỏi vụt qua. Đêm qua trời mưa rất lớn, sáng ra đường đầy cát đá trôi theo dòng nước từ trên núi đổ xuống. Lòng đường trở nên như dòng suối cho nước chảy tràn qua, chạy xe càng phải cầm chắc tay lái.

Mưa làm cho hòn đảo giữa biển Tây Nam cây cối xanh tươi tốt. Cây cối rậm rịt, nhiều tầng lớp mọc lên um tùm bao trùm núi đá, núi đá như những tấm chắn khổng lồ lưu giữ nước tạo độ ẩm cần thiết cho cây cối mãi xanh. Tôi cho đó là một sự cộng sinh tuyệt vời. Vậy nên khi có cô bé hỏi tôi: Đất đá giữ cho cây dừa lên cao vút, hay cây dừa bảo vệ tảng đá kia đứng vững như bàn thạch? Tôi tự tin bảo rằng: Nhìn cây nhìn đá, chúng đang nương tựa, bảo vệ nhau. Đá giữ cho cây vững vàng trước bão táp mưa giông, từ những rong rêu bám chặt vào đất đá, những lớp lá dày, dây leo chằng chịt tạo bóng râm, đến những thân cây to lớn thành những cọc trụ tự nhiên cho dáng đá hiên ngang đứng đó hàng trăm năm. Không biết nói vậy có làm cô bé hài lòng, bởi tôi rút ra được điều đó trong lần băng rừng leo lên đỉnh Ma Thiên Lãnh trước đây, từng thế cây dáng đá, từng tầng lớp cây rừng nương tựa vào nhau tạo nên sức sống mãnh liệt của hòn đảo làm tôi choáng ngợp và thốt lên “thiên nhiên quá hào hiệp và diệu kỳ”.

Hòn Sơn hôm nay đã thay đổi nhiều. Nhiều bãi biển hoang sơ đã được đưa vào khai thác bãi tắm, nhà hàng, homestay… Nhiều công trình đã và đang xây dựng khoét vào vách núi, tràn xuống bãi đá. Nhiều thanh niên bản địa bắt kịp xu hướng hiện đại trở thành nhân viên phục vụ, làm hướng dẫn viên. Du khách đến đảo được hưởng thụ nhiều dịch vụ, tiện nghi, cả “bao view đẹp chụp hình”… xứng đáng đồng tiền bát gạo.

Hôm trước, chúng tôi trở lại quán nhỏ bên đường cạnh bờ biển có hàng dừa xanh cao vút của cô chú Ba Trang- người đã cho “ăn trực” một bữa cơm, mà không gặp. Đối với tôi, đó là bữa ăn ngon nhứt và nhớ hoài, không phải vì được “cho ăn”, mà vì cái tình hồn hậu của cô chú, rất phóng khoáng “cây nhà lá vườn, có gì mấy đứa ăn nấy đừng chê” của người miền Tây. Hôm sau ghé lại quán đã mở cửa, dãy bàn ghế xếp đều dưới tán những cây bàng, cô Ba Trang vẫn nụ cười đôn hậu bảo khách ngồi chờ cô vạt 2 trái dừa tươi đem tới. Cô không nhớ đã cho chúng tôi ăn cơm hồi nào, nghe nhắc lại thì vui lắm. Nhưng lần này không còn được gặp chú, trong ánh mắt như gom cả một bầu trời mây đen xám, cô nói chú bị bạo bệnh và đã ra đi hơn 50 ngày…

Đường quanh đảo ngày mưa trơn ướt.
Đường quanh đảo ngày mưa trơn ướt.

Sóng biển xô nhau vỗ ầm ầm làm nước văng tung tóe cầu tàu ngày chúng tôi lên chuyến tàu về Rạch Giá. Những ngày mưa ở Hòn Sơn ngụp lặn trong nhiều cảm giác khó tả. Như hôm lặn biển ngắm san hô ở Bãi Bấc, quá khoái khi anh bạn hướng dẫn viên địa phương nhiệt tình chỉ cho tôi bắt những con ốc ngọc thạch ẩn mình trong đá, từng bụi san hô khổng lồ như nâng niu từng bầy cá đủ màu sắc lội tung tăng… Nhưng khi mở kính lặn biển và nhìn thấy một công trình đang xây dựng gần đấy nhô ra biển, tôi tự hỏi: Mai này rặng san hô có còn không?

Dù có khai mở du lịch, đáp ứng mọi nhu cầu tiện nghi của du khách, nhưng chúng tôi mong rằng Hòn Sơn và những hòn đảo xanh tươi giữa biển Tây Nam sẽ còn giữ được nét hoang sơ, những kiến tạo tự nhiên vốn có của nó.

Hôm nay biển vẫn mưa rải rác…

Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG