Tản văn

Về miền Tây Nam Bộ

Cập nhật, 20:32, Chủ Nhật, 17/07/2022 (GMT+7)

 

Bến sông quê. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Bến sông quê. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Cuộc sống của người dân miền Tây Nam Bộ bình dị như cái tính chân chất thật thà của những con người đã quen với sự cần lao từ ngày đầu tiên đi khẩn hoang, mở cõi. Kệ nắng, kệ mưa, kệ sông sâu cách trở, những người dân phương Nam vẫn sống lạc quan yêu đời và thích nghi với thiên nhiên, với trời đất.

Về với vùng quê miền Tây là hình ảnh những mái nhà nằm im lìm dưới hàng dừa xanh, bên bờ kinh, rạch rợp bóng cây xanh mát. Vùng đất miền Tây còn được gọi trìu mến là vùng quê của những dòng sông. Người dân miền Tây khi xây dựng nhà cửa mặt thường hướng ra sông để dễ bề giao thương, đi lại.

Nhờ vào những dòng sông, kinh rạch mà người dân miền Tây ngoài làm nông nghiệp ra còn có thêm nghề chài lưới trên sông, dù có phải lênh đênh theo con nước ròng, nước lớn, dù cho phải chịu muôn nỗi cực nhọc, nhưng cuộc sống của người dân vẫn luôn lạc quan, luôn sảng khoái và tự do tự tại, như dòng nước mát sông quê.

Người dân gắn bó với dòng sông biết dựa vào thiên nhiên để đón lấy nguồn tài nguyên của cải mà sông nước đem lại, tạo nên một nét đặc trưng riêng có của người dân miền Tây Nam Bộ. Mỗi sáng sớm mở mắt thức dậy đã nghe tiếng xuồng ghe chạy tạch tạch qua lại trên sông hòa lẫn với tiếng sống nước vỗ vào bờ, tạo nên một âm thanh sống động mà thân thương biết bao.

Nhà của người dân hầu hết là xây cất ở mép sông, nên nhà nào cũng đều có hai lối đi, một là lối đi bộ còn một là lối dành cho ghe thuyền, vỏ lãi cập bến. Con đường dưới sông tĩnh lặng nhưng gần gũi với người dân hơn. Nước sông thì mát rượi, ghe xuồng, vỏ lãi của bà con cứ chạy qua, chạy lại như lướt trên mặt sông, nên thơ và quyến rũ.

Con người lúc nào cũng gắn bó với thiên nhiên, tận hưởng làn gió từ sông thổi lên mát rượi. Quanh năm suốt tháng lại có hoa quả tươi ngon, cùng với nguồn rau xanh như vô tận. Bữa cơm toàn món quê như tôm, cá dưới sông, rau trồng trong vườn, đơn giản vậy thôi mà khi dọn ra nơi chái nhà mé sông ngồi ăn thoáng mát và đầm ấm vô cùng.

Nhà bên mé sông không đơn giản chỉ là nơi che chở cho con người khỏi mưa, khỏi nắng của đất trời mà nó đã trở thành nét đặc trưng riêng biệt, làm nên nét văn hóa sông nước đa dạng của vùng đất phương Nam Tổ quốc. Để rồi dù là người sinh ra và lớn lên gắn bó ở vùng đất này hay khách du lịch đến với nơi này, ai cũng sẽ nhớ hoài về một hình ảnh làng quê thân quen gần gũi mà thấm đẫm nghĩa tình.

Về với vùng quê, miền Tây ta mới cảm nhận hết được sự yên ả thanh bình cứ diễn ra hàng ngày, nhẹ nhàng, tĩnh lặng, được hưởng làn gió mát rượi của dòng sông mà quên hết mọi sự xô bồ, bon chen mưu sinh nơi phố thị. Vì lẽ đó mà những người con của vùng đất miền sông nước khi đi xa ai cũng sẽ nhớ nhiều, thiệt nhiều những bữa cơm trên cái sàn nhà nhìn ra mé sông, nơi có ba mẹ, anh chị em cùng quây quần vui vẻ.

Thật ra bữa cơm của người dân miền Tây mà thiếu rau thì coi như bữa cơm không còn hấp dẫn nữa. Người xưa có câu “đói ăn rau, đau uống thuốc” là vậy đó. Như đã trở thành một lẽ thường tình, mỗi khi nhắc tới các loại rau quê là mỗi người con của miền Tây đều thèm, đều nhớ tới những món ăn mang hương vị thanh mát của quê nhà.

Rau quê, nhất là loại rau dại xuất hiện khắp mọi nơi, trên bờ, dưới ruộng đâu đâu cũng có, như: bông súng, bông điên điển, đọt cóc, đọt xoài, lá đinh lăng, lá bằng lăng non, rau càng cua… kể cả ngày cũng không hết. Bữa cơm nhà quê đơn giản vậy thôi, mà đã đi vào ký ức của biết bao người con xa xứ.

Vậy nên những người con miền Tây, khi đi xa quê nhớ hoài bữa cơm quê, nhớ dáng ba, dáng mẹ tần tảo, hiền hòa trên dòng sông quê miền Tây Nam Bộ.

VÕ HOÀNG NAM