Tản mạn

Nhớ con cua đồng

Cập nhật, 17:44, Chủ Nhật, 17/07/2022 (GMT+7)

 

Giờ kiếm cua đồng thật không dễ chút nào.
Giờ kiếm cua đồng thật không dễ chút nào.

Sau trận mưa lớn, một động vật không xương sống có phần đầu và ngực ẩn trong mai cứng, một phần bụng gập dưới yếm, có tám cẳng hai càng, thường bò ngang xuất hiện. Đó là con cua đồng.

Cái con nho nhỏ sống ở ao hồ, đồng ruộng thường đào hang ở bờ ao, bờ đê. Bà Năm hàng xóm thấy thằng nhỏ bắt con cua chơi, bà Năm liền bảo: “Thả đi con, cua bò lên sau cơn mưa là những con cua đang mang con dưới yếm”. Đúng y lời bà Năm nói, thằng nhỏ cầm lật con cua lên xem thì li ti những con cua con trong chiếc yếm. Rồi thằng nhỏ liền nghe lời bà Năm thả con cua xuống đất cho nó bò đi.

Bạn có đôi lần ngắm nghía cách bò của con cua chưa? Chính cái cách bò ngang của nó mà ai ngang ngược trong cư xử, chỉ theo ý riêng của mình, không thuận theo lẽ thường được người ta ví von là ngang như cua. Hay thời nhỏ mấy cu tí hớt tóc ngắn, không rẽ ngôi thì được gọi tóc hớt kiểu cua.

Ăn mặc quê mùa, “lúa ơi là lúa” thì được gọi “ăn mặc cua đồng”. Chữ không tròn trịa, xấu ơi là xấu, mà lại không ngay hàng, thẳng lối tí nào thì được ví von “viết chữ như cua bò đám mạ”. Còn có chuyện gì mà trong nội bộ lục đục thì được ví “cua trong giỏ”. Vì cua nằm chung trong giỏ sẽ dùng càng kẹp vào nhau, hay con này giẫm, chồng lên con kia.

Nhớ trong xóm, ông Năm với cái miệng móm sọm mấp máy không ngưng nên ông được người ta gọi với biệt hiệu- ông Năm “nhai”. Cây cù nèo với đầu tay cầm cong vừa phải và bóng loáng, ông chống mỗi lúc trời mưa, đất sình lầy, trơn trượt. Ông đi đến đâu cũng than với vãn về “thằng con trai của tui”.

Nào là có thằng con trai cù lần lửa, nên không yên tâm để nó đi làm ăn xa vì sợ nó bị lừa. Khờ đến nỗi đi bắt cua mà không đem theo cù ngoéo, để tay không thò vào hang cua mà bắt, da mấy đầu ngón tay bị cua kẹp “bấy” hết chẳng chừa một ngón. Mà dạy hoài không nghe, cua tối trời mới chắc thịt và thịt đầy vỏ. Còn cua có trăng trốn miết trong hang, không dám bỏ hang mà đi ăn nên có thịt thà gì mà nó đi bắt. Nên cả xóm cứ gọi nó là thằng cù lần lửa.

Có người hỏi vặn vẹo, hay tại cái tật “hay nhai” của ông nên người ta gọi ông là ông Năm “nhai” không chừng? Ông lại tiếp tục than với vãn: “Con người ta thấy mà ham, mấy thằng trai tráng trong làng bằng tuổi với nó y như cua càng, ai đụng tới gia đình nó là nó kẹp cho biết tay.

Còn con tui đã lớn nhưng có khác nào con cua sữa chứ. Hiền queo, khờ ịch, tuổi gần ba mươi mà chỉ biết bắt cua ngoài đồng, chớ hổng có biết cua bồ, cua ghệ gì hết ráo, nên không biết khi nào có cháu để ẵm bồng như người ta đây”.

Con cua đồng được không ít người nhắc nhớ, nỗi nhớ chênh chao những buổi chiều mưa trên cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Nhớ những ngày cắt lúa bằng lưỡi hái, người đi cắt lúa về với chiếc thùng thiếc tròn đầy cả thùng cua. Cua nhiều đến nỗi, rộng cua bằng khạp da bò. Nhớ những món ăn từ miếng thịt ngọt kèm với cọng rau dại vườn nhà…

Giờ giá cua đồng lại cao nên người ta đặt cua đồng bằng thuốc để bắt được nhiều cua hơn. Cua đồng ngày càng ít đi thấy rõ. Ngoài chợ bán cua sống, thịt cua xay sẵn nhưng thịt cua không chắc và ngọt như cua đồng. Vì bây giờ cua còn được nuôi theo kiểu công nghiệp.

Giờ ăn cua chợ, sao lại nhớ con cua đồng quá đỗi. Cũng không hẳn là vị của cua, mà còn có cả một khoảng trời tuổi thơ, mùi của ruộng đồng, sình non, gốc rạ…

Bài, ảnh: VIỆT THẮNG