Ký sự

Mùa hè xuyên Việt

Cập nhật, 04:06, Thứ Bảy, 23/07/2022 (GMT+7)

Dự định xuyên Việt bằng tàu hỏa bị trì hoãn hơn 2 năm do đại dịch COVID-19, nên ngay khi mùa hè bình thường mới đến, chúng tôi nhanh chân lên chuyến tàu SE2 từ Ga Sài Gòn trong đêm và dừng chân ở một tỉnh ven biển miền Trung sáng hôm sau. Từ đây, bắt đầu kỳ nghỉ bình thường mới đầy sôi động: tàu xe, máy bay “cháy vé”, những bãi biển đông nghẹt, các điểm du lịch “ngựa xe như nước áo quần như nêm”…

Mời bạn đọc cùng “ta ba lô” qua những vùng đất Việt Nam mến yêu, gặp gỡ những con người thân thiện, cùng những ký sự thú vị dọc dài đất nước trong hành trình này.

Kỳ 1: Du lịch Qui Nhơn đón bình thường mới

Bãi biển Qui Nhơn nhộn nhịp cả ngày và đêm.
Bãi biển Qui Nhơn nhộn nhịp cả ngày và đêm.

Chuyến xe đò chiều từ Vĩnh Long lên TP Hồ Chí Minh mất hơn 4 tiếng đồng hồ, xe chạy chậm như rùa trên cao tốc do trời mưa như trút. Đến ga Sài Gòn, thời gian vẫn đủ để ăn cơm hộp và chờ đợi lên chuyến tàu khởi hành lúc 21 giờ 10 phút.

Qua đêm trên tàu lửa

Khu vực nhà chờ ga Sài Gòn gần giờ tàu chạy càng náo nhiệt, ồn ào. Nhiều người tranh thủ ăn uống bên đống hành lý lỉnh kỉnh va li, túi xách, trẻ con háo hức, chạy lon ton như sắp được… du hành vào thế giới bóng đêm (như lời một bà mẹ thôi thúc bé con của mình ăn nhanh hộp mì xào bò). Quầy bán vé tàu lửa ở ga không đông đúc khách xếp hàng như thường thấy ở các quầy bán vé xe về các tỉnh bến xe Miền Tây, hầu hết đã đặt mua vé trực tuyến và lưu bản mềm trên điện thoại... Sẵn lúc cô nhân viên quầy vé chờ ngóng khách nên chúng tôi nhờ in vé, đã lâu không đi tàu lửa, cầm vé trên tay lên tàu theo cách truyền thống cho chắc ăn.

Ga Diêu Trì đón chuyến tàu sáng từ Ga Sài Gòn.
Ga Diêu Trì đón chuyến tàu sáng từ Ga Sài Gòn.

Qua cửa kiểm soát vé, chúng tôi vừa kéo hành lý vừa tranh thủ “tự sướng” vài tấm hình đăng mạng, để tìm cảm giác “người đông nhưng ai cũng lạ”. Nhưng trong nhịp sống hiện đại công nghệ 4.0, ga tàu bây giờ cũng đâu còn những cuộc chia tay người đi, kẻ ở nghẹn ngào. Thôi kệ “một đường tàu biết mấy sân ga”, khách vui vẻ lên toa của mình và ga xép trở lại bình yên. Tiếng còi tàu vang lên, chuyển bánh rời ga lướt qua đêm Sài Gòn hoa lệ.

Để có chỗ trong khoang 4 giường nằm điều hòa, chúng tôi đã đặt vé online từ hơn tháng trước. Ngày nay, khách có thể đặt vé trực tuyến, tra cứu hóa đơn, các thông tin đặt chỗ, về quy định đổi, trả vé và thanh toán linh hoạt qua tài khoản tín dụng, thẻ ATM… Bạn còn nhận được khuyến cáo mua vé tại website chính thức dsvn.vn để tránh mua nhầm vé giả, vé không đúng giá. Những hành khách cùng khoang đã ổn định chỗ nằm, hỏi vội nhau “đi về đâu” rồi nhanh chóng tìm một giấc ngủ. Tôi mở điện thoại ghé vào website ga Sài Gòn, hơi thất vọng vì trang web trông cũ kỹ như ga tàu vắng khách lâu ngày không người quét dọn, nhưng may mắn có bài viết về lịch sử ga Sài Gòn ký tên tác giả Trưởng ga Nguyễn Thị Thanh Phương.

Ngày 20/7/1885, chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm TP Mỹ Tho đánh dấu sự ra đời của tuyến đường sắt Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước, trước nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và đi lại của nhân dân giữa hai miền Nam- Bắc, Chính phủ đã quyết định khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất. Trước sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, vào ngày 4/1/1977, đoàn tàu Thống Nhất đầu tiên từ Thủ đô Hà Nội đã vào tới ga TP Hồ Chí Minh… Ga Sài Gòn hiện nay vẫn là một nhà ga lớn nhất của ngành đường sắt ở khu vực phía Nam và đã có nhiều thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và đảm bảo an toàn mọi mặt.

Theo những thông tin này, thì tuyến đường sắt đầu tiên tại Việt Nam đã phục vụ người dân Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, cụ thể là Mỹ Tho từ hơn thế kỷ trước, tiếc là đến nay toàn bộ tuyến đường sắt Sài Gòn- Mỹ Tho đã bị tháo dỡ. Dù vậy, những ký ức đẹp đẽ tới đây sẽ được nối lại với tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, mà hôm 17/6, Bộ Giao thông vận tải đã có buổi làm việc với các tỉnh- thành để thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai. Trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ được thiết kế điểm đầu ở ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và điểm cuối ở ga Cái Răng (TP Cần Thơ), dài khoảng 174km.

Tàu lướt đi trong đêm, bên ngoài là bóng đen mịt mùng. Bà mẹ cùng bé con kia hẳn đang “du hành” trong tiếng xập xình tàu chạy trên đường ray. Còn tôi mong muốn giấc mơ thành hiện thực cho người dân đồng bằng sẽ lên những chuyến tàu lửa từ sân ga ở quê hương mình. Một đường tàu mang biết bao kỳ vọng rút ngắn thời gian di chuyển, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa giữa khu vực miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Điều đó có nghĩa hàng hóa nông sản của bà con mình sẽ “đi nhanh”, “đi xa” hơn trong các chuỗi cung ứng quốc gia, quốc tế.

Ngày hè trên bãi biển Qui Nhơn

Nếu bạn muốn “thức dậy ở một nơi xa”, có thể mua vé đến một trong các ga từ Nha Trang đến Bình Định. Chúng tôi xuống ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định) mới hơn 8 giờ mà nắng đã lên chói chang. Bác tài ô tô dịch vụ đồng ý đưa chúng tôi tới khách sạn ở TP Qui Nhơn với giá 170.000đ kèm lời cảm thán: “Hồi giá xăng dầu chưa tăng, 140.000đ chạy khỏe re giờ không ai chạy được giá đó”. Bác tài 65 tuổi nước da rắn rỏi “nhờ tập võ để rèn luyện sức khỏe chớ không đánh ai”, khiến chúng tôi yên tâm không bị nói thách khi bảo với chất giọng đặc trưng: “Nẫu đi một lần, nẫu còn bạn bè nữa chớ” và giới thiệu những món ăn đặc sản, danh thắng quê mình. Ông rành từng ngõ ngách thành phố, chỉ cần nói tên khách sạn sẽ được đưa đến đúng địa chỉ.

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, dân số gần gấp rưỡi Vĩnh Long, cùng với Đà Nẵng và Huế là những trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đến với Bình Định, bạn cần lên lịch cụ thể để không bỏ sót những điểm đến di tích- lịch sử, danh lam thắng cảnh hấp dẫn và nhất là những bãi biển cát vàng tuyệt đẹp.

Du khách say sưa nghe Dzũ Kha đọc thơ và kể chuyện tình Hàn Mặc Tử.
Du khách say sưa nghe Dzũ Kha đọc thơ và kể chuyện tình Hàn Mặc Tử.

Vài đoàn khách “đội nắng” nối nhau viếng mộ Hàn Mặc Tử giữa trưa hè. Dù không là “nửa đêm trăng tà” nhưng những vần thơ đẫm chất buồn diễm lệ như cứ thổn thức theo chân du khách lên dốc đá. “Xa người nhớ cảnh tình lai láng/ Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng…” (thơ Hàn Mặc Tử) lời thơ như cơn gió mát lành đến từ nghệ sĩ Dzũ Kha- người tự nhận “vì thấu hiểu niềm vui, nỗi buồn, đồng cảm với tâm hồn của người thi sĩ tài hoa bạc mệnh” mà dựng “lều thơ”, dùng bút lửa vẽ thơ Hàn Mặc Tử. “Lều thơ” của nghệ sĩ Dzũ Kha luôn là điểm dừng chân thú vị trên đồi Thi Nhân, du khách đến để nhìn người nghệ sĩ tài hoa “múa bút” trên thơ, ngâm thơ và nghe ông kể chuyện tình nhà thơ Hàn Mặc Tử hòa với “tiếng sóng vang vang vỗ chẳng mòn” vào Ghềnh Ráng- Tiên Sa.

Bạn có thể nghỉ chân, dùng bữa trưa ở Khu du lịch Ghềnh Ráng để trốn nắng hè gay gắt. Thong thả bước xuống bãi tắm Hoàng Hậu hay còn gọi là bãi Trứng, chơi đùa cùng những viên đá xanh tròn nhẵn như quả trứng đủ mọi kích cỡ xếp lên nhau trên bãi biển rộng lớn. Những bãi biển hoang sơ, những bãi tắm đẹp là những thứ quyến rũ du khách hăm hở kéo va li đến Bình Định để “nạp vitamin sea”. Đã quen đi biển ở Nha Trang, Đà Nẵng, du khách ngỡ ngàng nhận ra Bình Định cũng có nhiều bãi tắm đẹp không kém trải dài suốt bờ biển trên 130km. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được tỉnh Bình Định cụ thể hóa trong Chương trình 06-CTr/TU. Bằng nhiều chương trình, lễ hội thu hút khách, du lịch của tỉnh đã có bước phục hồi ngoạn mục, qua con số gần 2,27 triệu lượt khách đã đến Bình Định trong 6 tháng đầu năm, tăng 92,5%; tổng doanh thu đạt khoảng 4.185 tỷ đồng, tăng 161,1% so với cùng kỳ.

Từ Ghềnh Ráng, chạy dọc theo con đường ven biển TP Qui Nhơn khi hoàng hôn buông xuống, thì ánh đèn phố thị bật sáng, các khu phố ẩm thực đốt lò đỏ rực, du khách đổ ra quảng trường, bờ biển đón gió và thưởng thức đặc sản.

Bãi biển Qui Nhơn vẫn sôi động khi hoàng hôn buông xuống.
Bãi biển Qui Nhơn vẫn sôi động khi hoàng hôn buông xuống.

Chúng tôi hân hạnh được cả gia đình người bạn học cũ thết đãi một bữa tối hải sản ven biển đến no ứ, còn dẫn đi cà phê trên bãi cát ầm ầm sóng vỗ vừa ngắm thành phố biển lung linh huyền ảo. Bạn bảo Bình Định đang thực hiện “Mỗi người dân Bình Định là một đại sứ du lịch” và du lịch đang làm thay đổi tích cực đời sống người dân vùng duyên hải này. Quả thật, những người dân mới gặp thật dễ mến, cảnh đẹp, món ăn ngon và không lo “chặt chém”… tất cả đã cho chúng tôi ấn tượng ban đầu rất đẹp!

Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG

>> Kỳ sau: Từ thiên đường du lịch đến phát triển kinh tế biển