Đưa biển đảo, biên giới về gần hơn với Vĩnh Long

Cập nhật, 05:24, Thứ Ba, 10/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc đẩy mạnh tuyên truyền biển đảo Việt Nam, công tác phân giới, cấm mốc… thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với vai trò cơ quan thường trực, đã tích cực tham mưu Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh tổ chức nhiều đoàn cán bộ làm công tác tuyên truyền đi thực tế, thu thập tư liệu tại các vùng biển đảo, biên giới thuộc Vùng 4, Vùng 5 Hải quân và một số tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Di tích tàu không số Vũng Rô là địa điểm nhiều đoàn công tác đến thăm, tìm hiểu câu chuyện huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Di tích tàu không số Vũng Rô là địa điểm nhiều đoàn công tác đến thăm, tìm hiểu câu chuyện huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Theo ông Nguyễn Văn Săn- Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, những chuyến đi như thế giúp cho ban chỉ đạo cũng như các binh chủng tuyên truyền của tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh của mình, bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú đẩy mạnh tuyên truyền, đưa biển, đảo, biên giới về gần hơn với Vĩnh Long.

Kỳ 1: Thăm di tích đoàn tàu không số ở Vũng Rô

Trong chuyến hành trình cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh, chúng tôi đã ghé thăm Bến tàu không số Vũng Rô (tỉnh Phú Yên)- một địa danh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Di tích tàu không số ở Vũng Rô

Những câu chuyện huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển và đoàn tàu không số khi nhắc lại vẫn mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta; là biểu tượng sáng ngời của lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Cách đây 61 năm, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy.

Ngày 23/10/1961, đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập, cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, thực hiện chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Có dịp thăm và nghe kể những câu chuyện về đoàn tàu không số mới hiểu, mỗi chuyến tàu ra khơi, đi trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với chính mình của tất cả chiến sĩ, thủy thủ tàu.

Những năm 1960 - 1961, phong trào đấu tranh vũ trang ở Khu 5 phát triển mạnh mẽ. Trong đó, chiến trường các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ðắk Lắk nhiều đơn vị vũ trang được thành lập, cần vũ khí để chiến đấu. Năm 1964, nhận lệnh của cấp trên, Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy 3 và Phân khu 5 tổ chức hội nghị liên tịch bàn việc tìm địa điểm và phương án tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc, qua đó đã thống nhất chọn Vũng Rô làm bến tàu.

Thời điểm đó, địch phong tỏa, ra lệnh cấm tất cả mọi phương tiện ra vào vịnh Vũng Rô. Ngay trên đỉnh đèo Cả có một trung đội địch canh giữ, phía biển địch có các thuyền của Duyên đoàn 23 tuần tra và còn có Hạm đội 7 của Mỹ chốt đóng.

Tuy vậy, thực hiện nhiệm vụ cấp trên, tại bến Vũng Rô, Tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy đã 3 lần tổ chức cập bến thành công, chi viện hơn 200 tấn vũ khí, đạn dược và các nhu yếu phẩm cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Riêng chuyến thứ 4, do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy cập bến bị lộ, buộc phải hủy tàu.

Theo Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh- nguyên thuyền trưởng Tàu 41, việc lựa chọn bến Vũng Rô đón nhận tàu chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Khu 5 là rất táo bạo, biết lựa chọn địa hình, địa thế làm kẻ địch bất ngờ.

Bến tàu không số Vũng Rô được Ðảng, Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 18/6/1997.
Bến tàu không số Vũng Rô được Ðảng, Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 18/6/1997.

Sau sự kiện ở Vũng Rô, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ gây khó khăn cho việc chi viện ở chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, với ý chí và quyết tâm, cán bộ, chiến sĩ tham gia đoàn tàu không số chấp nhận hy sinh, tự xác định “ra đi cảm tử, không hẹn ngày về”, vượt qua phong tỏa của kẻ địch tiếp tục đưa những đoàn tàu không số cập bến ở miền Nam.

Vịnh Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) hiện nằm cách TP Tuy Hòa hơn 30km về phía Nam, dưới chân Đèo Cả và là một trong những vịnh nổi tiếng và đẹp nhất của tỉnh Phú Yên.

Để ghi nhận những đóng góp của tỉnh Phú Yên, Bến tàu không số Vũng Rô được Ðảng, Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 18/6/1997. Tỉnh Phú Yên chọn ngày 28/11/1964 (là ngày đón chuyến tàu không số đầu tiên cập bến) làm Ngày truyền thống Bến tàu không số Vũng Rô.

Đẩy mạnh kinh tế biển

Tỉnh Phú Yên thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là vùng đất có bề dày lịch sử- văn hóa, có vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc.

Trao đổi thông tin với đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Sự- Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, Phú Yên là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển cả nước, tỉnh có bờ biển dài thứ hai cả nước (sau tỉnh Khánh Hòa) với gần 190km với nhiều bãi biển đẹp như vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, Bãi Xép, Bãi Tràm… và khá đa dạng về chủng loại hải sản, có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên còn là địa phương có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo rất độc đáo và các lễ hội đặc sắc của ngư dân, tạo nên nét văn hóa riêng có, rất thuận lợi cho phát triển du lịch, nhất là du lịch biển.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh Phú Yên từ nay tới năm 2030 tầm nhìn 2045, Phú Yên đã đặt ra mục tiêu đưa tỉnh trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển.

Cụ thể, hình thành khu bảo tồn biển tại các khu vực có hệ sinh thái biển đa dạng, đặc biệt, nhất là rạn san hô khu vực Hòn Yến và Vũng Rô. Mục tiêu phấn đấu đưa Phú Yên trở thành một trong những điểm đến quan trọng, hấp dẫn và có bản sắc riêng trong các chương trình du lịch đến khu vực miền Trung- Tây Nguyên và cả nước.

Đưa vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của cả nước; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và khu vực Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Sự cho biết thêm, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thứ tư là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động “Về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư”, trong đó phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực; để đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

>>Kỳ cuối: Đổi thay ở huyện đảo Lý Sơn

Bài, ảnh: BÙI THANH