Chủ trương "bắt đúng mạch", đời sống đồng bào Khmer đổi mới

Kỳ cuối: Sức tác động lớn từ những chủ trương

Cập nhật, 11:11, Thứ Ba, 31/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Thời gian qua đã có những quyết sách “bắt đúng mạch”, đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm thay đổi một cách căn bản và toàn diện đời sống người dân trong cả nước nói chung và đồng bào Khmer nói riêng. Qua đây, đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc.

Nhiều vùng đồng bào Khmer đang ngày càng đổi mới nhờ những chủ trương “bắt đúng mạch”.
Nhiều vùng đồng bào Khmer đang ngày càng đổi mới nhờ những chủ trương “bắt đúng mạch”.

Những quyết sách hợp “ý Đảng, lòng dân”

Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ- Cao Thành Giang cho biết, thời gian qua, đồng bào Khmer được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư rất nhiều chính sách, nổi bật là từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ có điều kiện đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi nghề… Trong đó, có từ 50% hộ vay vốn làm ăn có hiệu quả.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Bình, vợ chồng chị Thạch Thị Đa Ra ở ấp Sóc Rừng (xã Loan Mỹ- Tam Bình) mua bán nhỏ và chăn nuôi dê. Chị Đa Ra kể: “Xưa gia đình tôi là hộ nghèo, nhờ được cho vay ưu đãi, chúng tôi cố gắng làm ăn, cất được căn nhà che mưa, che nắng và hiện đã thoát nghèo”.

Sau khi trả xong nợ vay, chị Đa Ra được vay lại cũng với số tiền trên để tiếp tục làm ăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. “Dân thiếu hụt, khó khăn gì là được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo kịp thời”- Chị Đa Ra xúc động nói.

Là xã thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn với gần 50% hộ Khmer sinh sống, xã Tân Mỹ (Trà Ôn) nhận được nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực.

Cùng với đó là sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự phấn đấu của người dân- đặc biệt là sự vươn lên của đồng bào Khmer, đã góp phần làm thay đổi đời sống đồng bào Khmer.

Những ngôi nhà tạm bợ, xập xệ ngày nào đã dần được thay thế bằng những căn nhà tường khang trang, cùng với đó trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa… được đầu tư đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu ăn ở, học tập, khám chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa của người dân.

Ông Trần Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho rằng, từ khi có các chương trình lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành như Chương trình 134 về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo và Chương trình 135 về phát triển kinh tế xã hội (KTXH) các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu.

Cùng với đó là những chủ trương, chính sách lớn về BHYT toàn dân, các chương trình hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội… đã góp phần đáng kể làm nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào Khmer.

Thế hệ mai sau đang tiếp nối thụ hưởng những thành quả từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc.
Thế hệ mai sau đang tiếp nối thụ hưởng những thành quả từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc.

Với những quyết sách hợp “ý Đảng, lòng dân” đã và đang làm thay đổi đời sống của đồng bào có hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian qua, các xã thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn còn được tiếp cận các chương trình, dự án lớn về phát triển như hạ tầng kinh tế xã hội như đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, hệ thống điện, trạm cấp nước tập trung…

“Từ một xã có hộ nghèo trên 50% (năm 2014) đến nay đã giảm xuống còn 18%; thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ hơn 10 triệu đồng/năm, đến nay đạt trên 39 triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng năm 2017, đã cất hơn 800 căn nhà cho hộ Khmer, nhờ vậy đến nay chỉ còn khoảng 80 hộ khó khăn về nhà ở”- ông Trần Văn Sơn cho biết.

Tiếp tục điều chỉnh, đột phá chính sách

Ông Thạch Dương- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách lớn dành cho ĐBDTTS.

Trong đó, Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc được xem là một trong những chính sách đầu tiên được quan tâm đẩy mạnh ở vùng ĐBDTTS.

Tỉnh Vĩnh Long là một trong những địa phương có nhiều đồng bào Khmer sinh sống, tập trung ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh đã được thụ hưởng chính sách này.

Điển hình, thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các tổ chức phi chính phủ, tỉnh đã đầu tư xây trên 2.400 căn nhà cho hộ Khmer khó khăn về nhà ở. Nhờ vậy, những căn nhà tạm bợ đã dần được thay thế bằng những căn nhà “3 cứng”.

Qua thời gian, các căn nhà này dần xuống cấp thì Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 33 ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011- 2015. Trong đó, hộ gia đình ĐBDTTS là một trong những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ.

Thời điểm này, Nhà nước cho vay ưu đãi 25 triệu đồng/hộ, cấp ủy, MTTQ các cấp tổ chức vận động xã hội hóa thêm 10 triệu đồng, tổng cộng được 35 triệu đồng để các hộ nghèo người Khmer cất nhà trong giai đoạn mới.

Tại Vĩnh Long, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long tài trợ cất 1.569 căn nhà cho hộ Khmer với số tiền 40 triệu đồng/căn, đã giúp xóa đi những căn nhà lụp xụp. Những hộ chưa có điều kiện cất nhà, khi được Nhà nước hỗ trợ thì người thân hỗ trợ thêm, nhờ vậy nhà cửa thêm phần tươm tất hơn.

Theo đặc thù từng vùng, miền, địa phương, Đảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách kịp thời, sâu sát với quần chúng. Đặc thù người Khmer chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa. Trước đây, bà con chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, ít tiếp cận khoa học công nghệ, đời sống khó khăn… nên cũng có chủ trương chưa phát huy hết hiệu quả.

Chị Đa Ra được vay vốn ưu đãi để buôn bán nhỏ và phát triển chăn nuôi, nhờ chí thú làm ăn, sử dụng vốn vay hiệu quả đã vươn lên thoát nghèo.
Chị Đa Ra được vay vốn ưu đãi để buôn bán nhỏ và phát triển chăn nuôi, nhờ chí thú làm ăn, sử dụng vốn vay hiệu quả đã vươn lên thoát nghèo.

Song, Trung ương đã điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn, mang tính đột phá, tập trung, thực chất hơn, như: Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017- 2020.

Gần đây, Quốc hội có Nghị quyết 88 phê duyệt đề án tổng thể phát triển KTXH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết 120 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Chương trình này có 10 dự án trọng tâm với tổng mức vốn gần 137.665 tỷ đồng.

Tỉnh Vĩnh Long là một trong những địa phương được thụ hưởng chính sách này và cũng đã xây dựng đề án thực hiện. “Để kịp lộ trình, Ban Dân tộc tỉnh đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề án cho vay giải quyết việc làm đối với ĐBDTTS.

Đồng thời, đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự toán năm 2022- 2024 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KTXH vùng ĐBDTTS”- ông Thạch Dương thông tin.

Thực tế cho thấy, thông qua những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với ý thức tự lực vươn lên đã tạo nên những đổi thay lớn trong đời sống người dân nông thôn nói chung và đồng bào Khmer nói riêng, qua đó giúp cho đời sống người dân “đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần” như Bác Hồ hằng mong muốn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN