Chủ trương "bắt đúng mạch", đời sống đồng bào Khmer đổi mới

Kỳ 2: Chí thú làm ăn để vươn lên

Cập nhật, 14:30, Thứ Năm, 26/05/2022 (GMT+7)
 
“Từ tuyên truyền, vận động của các đoàn thể và từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đã ý thức: Chuyện muốn thoát nghèo hay không là do mình vươn lên, nên chí thú làm ăn, qua đây đã có những hộ sản xuất giỏi nổi bật”- ông Cao Thành Giang- Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ (Tam Bình) nói về ý chí, nghị lực vươn lên của các hộ vùng đồng bào Khmer thời gian qua.
Vừa làm giáo viên, anh Sơn Thanh Toàn vừa tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế.
Vừa làm giáo viên, anh Sơn Thanh Toàn vừa tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế.
 
“Siêng năng đủ thứ để thoát nghèo”
 
Trong căn nhà khang trang được cất 2 năm nay “nhờ chăn nuôi, mua bán có lời”, vợ chồng anh Thạch Dững và Thạch Thị Sa Rênh ở ấp Sóc Rừng (xã Loan Mỹ) vui vẻ nói về quá trình phấn đấu vươn lên của gia đình.
 
“Hồi đó nghèo, vợ chồng ra riêng được cha mẹ cho cái nền nhà. Tui cất nhà tạm bợ cột xệ, nhà sàn, lợp lá. Rồi được Nhà nước chiếu cố hỗ trợ khoảng 8 triệu đồng để cất cho căn nhà. Và còn được cho vay vốn, mình cố gắng làm từ từ được như bây giờ”. Anh Dững kể: Khoảng năm 2003, anh vay ngân hàng 5 triệu đồng mua bò, sau trả rồi vay thêm 2 đợt nữa, cũng để chăn nuôi. “Tui chạy xe ôm, chở người ta đi mua dê. Về nhẩm tính thấy nuôi dê lãi cao và còn dễ bán nên vay được tiền tui mua dê. Có đợt “bán thấy ham” với giá tới 150.000đ/kg, lời nhiều nên thuận lợi cất nhà mới luôn”.
 
Bên cạnh chăn nuôi, có thời gian anh Dững “chạy xe ôm, làm cộng tác viên công ty viễn thông”... Hiện anh chị mở quán bán nước giải khát để tăng thu nhập. “Đàn dê và bò cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Mua bán và làm thêm khoảng 100 triệu đồng/năm nữa”. Từ đó, có thể nuôi con ăn học. Nói đến hai người con, chị Sa Rênh cười thật tươi cho biết: “Cả hai con đều học giỏi và được Nhà nước hỗ trợ trong việc học như được học nội trú, được hỗ trợ chi phí ăn học cả 3 năm phổ thông”.
 
“Xưa nghèo khổ, chỉ lo tính toán làm ăn cho có tiền để vượt lên”- anh Dững nói vậy và đúc kết: “Một người khó khăn cỡ nào mà biết cố gắng làm rồi sẽ thoát cảnh nghèo, vươn lên khá giàu, nhưng phải kiên trì, cần cù, siêng năng đủ thứ. Cái gì hổng biết thì học hỏi sẽ biết”. 
 
Kinh tế gia đình cải thiện, anh Dững “xắn tay” phụ giúp địa phương và hiện là Chi hội trưởng Chi Hội nông dân ấp. “Mình làm trước, rồi vận động anh em làm theo, chăn nuôi có lợi nhuận nên càng cố gắng”- anh Dững vui vẻ nói.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Loan Mỹ- Kim Thị Hồng Thu cho biết: “Anh Dững là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Bên cạnh nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với các hộ khác để cùng phát triển, anh cũng tích cực tham gia các phong trào của địa phương”.
 
“Phải cạnh tranh để phát triển kinh tế mới được”
 
Từ 4 công đất ruộng, nhờ chí thú làm ăn, hiện anh Sơn Sa Phone- ấp Phù Ly 1 (xã Đông Bình- TX Bình Minh) anh đã cất được căn nhà khang trang rộng 160m2 và sở hữu 20 công đất. Trong đó, 10 công ruộng đã chuyển lên làm vườn trồng bưởi, vú sữa và chanh không hạt, số còn lại trồng lúa. 
 
Anh Sa Phone cho biết, chỉ dựa vào mấy công đất ba mẹ cho ra riêng thì khó phất lên nên anh làm thêm rất nhiều việc khác, theo kiểu “buông cái này bắt cái kia”. Có thời điểm anh nuôi cả 1.000 con vịt chạy đồng tới Sóc Trăng, Bạc Liêu. Rồi nuôi bò thì “chọn con nái để gầy đàn”… Hễ làm có lời là tích lũy để mua đất. Nhờ vậy, từ căn nhà cây lụp xụp, năm 2017, anh đã cất “nhà tường, nền gạch men, đóng la phông ngon lành”. Bên cạnh cải thiện kinh tế gia đình, anh Sa Phone còn chăm lo cho 3 người con học thành tài. 
 
Cần cù, miệt mài làm lụng để vươn lên, theo anh Sa Phone “phải cạnh tranh phát triển kinh tế mới được. Từng gia đình tốt thì ấp tốt, xã tốt... Đó cũng là cách để đóng góp cho địa phương phát triển”. 
 
Cũng ở ấp Phù Ly 1, anh Sơn Thanh Toàn vừa là giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất Trường TH Tân Hưng (huyện Bình Tân) vừa làm nông. Anh Toàn làm 10 công lúa, 5 công vườn và nuôi bò lai Sind, nuôi gà thả vườn… Anh cho hay, “vừa đi dạy vừa làm nông giúp tăng thu nhập cho gia đình nên vất vả cũng cố gắng. Thấy khả năng trồng cây gì, nuôi con gì có lời thì bắt tay vô làm”.
 
Là một trong những hộ chí thú làm ăn ở ấp Cần Thay (xã Tân Mỹ- Trà Ôn), hiện ông Thạch Tua (sinh năm 1962) đã có cơ ngơi nhà cửa khang trang, ruộng đất hàng chục công. Ra riêng được ba mẹ hai bên cho 3,5 công đất ruộng, 1 công vườn. Tuy nhiên, làm bao nhiêu thì hết bấy nhiêu nên tích cực “đi mần mướn thêm”. 
 
Khi đó, có bạn bè đi biết sửa máy chỉ nghề, mình học hỏi rồi làm thêm nghề hàn. Nhận thấy nhu cầu ở quê cần thùng máy suốt, máy xới tay nhỏ và cần có thợ để hàn máy móc nhưng không ai làm nên ông dành dụm, mua thùng suốt nhỏ về chế lại, chạy đồng suốt lúa… Và bà con ai cần hàn máy móc thì đem lại “sửa trước, trả tiền sau”.
 
Dành dụm được tiền thì nuôi heo, nuôi bò, mua thêm đất đai. Trong số 22 công vườn, ông trồng cỏ 7 công, hàng ngày cắt cỏ bằng máy cho bò ăn. Nói về những ngày làm việc cật lực, ông Tua kể: “Thức 2- 3 giờ khuya, có hôm thức trắng cả đêm chạy đồng suốt lúa. Chứ nếu ăn chơi thì đâu được như ngày hôm nay”.
 
“Trái ngọt” từ sự miệt mài, cố gắng cũng đem đến cho ông “kỷ niệm đẹp” là năm 2007 được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, được đi Hà Nội. Ông Tua thật thà nói: “Phải dành dụm cho gia đình, tính toán từng ngày làm gì thì mới giàu được”. Hiện dù kinh tế gia đình đã ổn, có con cái lo làm ăn, song ông Tua vẫn miệt mài làm vườn và không bỏ nghề thợ hàn, một phần là để bà con trong xóm cần hàn máy móc, vật dụng thì “có chỗ gần, khỏi đi xa”.
Anh Sơn Sa Phone cho rằng: “Phải cạnh tranh để phát triển kinh tế”.
Anh Sơn Sa Phone cho rằng: “Phải cạnh tranh để phát triển kinh tế”.
 
Là Bí Thư kiêm Trưởng ấp Cần Thay, anh Thạch Tâm- con ông Tua hiện vừa làm nông vừa làm dịch vụ. Bên cạnh quản lý đội xe cuốc 3 chiếc, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, hiện anh Tâm đang lên liếp trồng 12 công cam. Anh Tâm xởi lởi: “Tôi đang học hỏi từ những người đi trước, phải học hỏi kỹ thuật, đúc kết kinh nghiệm để trồng hiệu quả”. 
 
Ông Trần Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, trước đây nhiều hộ ít chữ nghĩa, tính toán làm ăn không hiệu quả, thì hiện nhiều hộ tích cực lo học chữ, học nghề, tìm việc làm, chí thú làm ăn nên không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giàu. Qua đó, góp phần cùng địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN

 

(Còn tiếp)