Chủ trương "bắt đúng mạch", đời sống đồng bào Khmer đổi mới

Cập nhật, 09:14, Thứ Tư, 25/05/2022 (GMT+7)

“Chủ trương, chính sách dành cho vùng đồng bào Khmer rất nhiều, bao phủ toàn diện các lĩnh vực của đời sống”- đó là lời mở đầu mà Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long- Thạch Dương và lãnh đạo các địa phương vùng đồng bào Khmer chia sẻ với chúng tôi.

Chính nhờ những chủ trương, chính sách “bắt đúng mạch” này, cùng với sự đổi mới, nâng cao về tư duy, nhận thức và nỗ lực vươn lên của từng hộ gia đình, từng cá nhân, đã tạo nên “cú huých” đưa đời sống đồng bào Khmer bước sang trang mới.

Kỳ 1: Phum sóc hôm nay đổi mới

Vùng đồng bào Khmer đang vươn mình đổi mới từng ngày.
Vùng đồng bào Khmer đang vươn mình đổi mới từng ngày.

Về thăm phum sóc hôm nay, xe bon bon trên những tuyến đường được bê tông, nhựa hóa vào tận các ấp. Hai bên đường, những khóm hoa được chăm chút tạo nên khung cảnh ngập sắc xuân cùng với hệ thống đèn thắp sáng nối dài. Những ngôi nhà khang trang giăng giăng bên những ruộng lúa, khu vườn xanh mướt. Khắp nơi rôm rả chuyện làm ăn, chuyện học hành… trong tiếng nhạc ngũ âm vang vang.

Hạ tầng khang trang, đời sống nâng chất

Với 1.430 hộ dân người Khmer, chiếm gần 43% dân số, trước đây xã Loan Mỹ (Tam Bình) là một trong những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, chủ yếu đường đất, cầu khỉ nhiều, tới ấp xa nhất là Bình Phú (cách trung tâm xã 8km) phải đi bằng ghe mất một giờ. Hiện cầu, đường được bê tông hóa, láng nhựa. Từ xã tới Bình Phú chỉ còn 15 phút chạy xe máy. Hơn 10 năm trước, thu nhập bình quân đầu người của xã khoảng 9 triệu đồng/năm, cuối năm 2021 hơn 49 triệu đồng/năm.

Tuy không thuộc lộ trình về đích nông thôn mới (NTM) của tỉnh, nhưng năm 2021 xã Loan Mỹ đã vươn lên mạnh mẽ “cán đích” NTM, trong đó 9/19 tiêu chí có chỉ tiêu vượt chuẩn. “Đạt được kết quả trên chính là nhờ những quyết sách đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống đồng bào Khmer và sự hỗ trợ của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, người dân thực hiện tốt các chủ trương phát triển kinh tế- xã hội”- ông Cao Thành Giang- Chủ tịch UBND xã nhận định.

Xã Đông Bình (TX Bình Minh) có 30% dân số là người Khmer, tập trung ở ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2. Ông Nguyễn Văn Mễ- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước đây người dân đi lại chủ yếu theo lối mòn của mặt đê, bờ vùng, mưa xuống phải bấm chân đi để không bị trợt té. Người dân đi rất xa mới tới trạm y tế. Trường học thì mái lợp lá, vách cây. Nhà cửa rất thô sơ, chủ yếu là nhà lá hoặc che tấm bạt ở tạm, nhà dột nát rất nhiều… vì khó khăn như vậy, nên người ta gọi khu vực này là “lung Bà Hy”- ông Nguyễn Văn Mễ nói.

“Ấp Phù Ly 1 trước đây đa số là hộ nghèo, thể hiện rõ nhất là nhà cửa rất khó khăn”- Bí thư kiêm Trưởng ấp Phù Ly 1- Vi Ta Va Lay nói vậy và cho biết thêm: So với hơn chục năm trước, bộ mặt của ấp giờ rất phát triển, nổi bật là nhà ở, đường sá, cơ sở vật chất văn hóa... ngày càng khang trang.

Theo ông Vi Ta Va Lay, sự đổi thay trước hết là nhờ Chương trình 134 “về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”. Sau này, còn được hỗ trợ đợt II (40 triệu đồng) để cất nhà, một số hộ góp thêm để xây nhà đẹp hơn. Đến nay, hầu hết là nhà tường khang trang, ít nhất cũng “3 cứng”.

Thông qua các nguồn hỗ trợ, năm 2017 xã Đông Bình đã sửa và cất mới khoảng 250 căn nhà, trong đó vùng đồng bào Khmer là 225 căn, nâng tỷ lệ nhà đạt chuẩn lên 80,5%, vượt 10,5% so quy định về tiêu chí nhà ở dân cư trong xây dựng NTM. Năm 2021, bên cạnh các nguồn hỗ trợ, người dân còn tự xây mới, đã nâng tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn tiếp tục nâng lên 88,2%, vượt 8,2% so quy định xã NTM nâng cao.

Ý thức vươn lên mạnh mẽ

Theo ông Vi Ta Va Lay, mỗi lần đi cơ sở, nghe bà con rôm rả chuyện làm ăn. Khác hẳn với trước kia “sáng nhậu, chiều cũng nhậu- dù chỉ một vài người nào đó nhưng cũng ảnh hưởng cái chung”. Giờ thì đa số người trẻ đi làm công ty, người ở nhà thì làm ruộng, làm vườn... “Do khâu mình vận động, tuyên truyền, phát thanh hàng ngày có mục phát triển kinh tế. Nhờ vậy đời sống bà con ổn định và nâng cao hơn”.

Ông Nguyễn Văn Mễ cho rằng: Xã đã thay đổi đáng kể nhờ chương trình xây dựng NTM, Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hơn chục năm trước, thu nhập bình quân đầu người của xã khoảng 21 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2021 đạt gần 51 triệu đồng. Hiện, toàn xã có 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và mức thụ hưởng các dịch vụ y tế được đảm bảo. “Giờ thì đường đan đi tới tổ, ấp, xe 2 bánh tới từng nhà, giúp đi lại, thông thương hàng hóa dễ dàng”- Bí Thư Đảng ủy xã phấn khởi nói.

Đời sống đồng bào Khmer đang ngày càng khấm khá hơn.
Đời sống đồng bào Khmer đang ngày càng khấm khá hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Mễ, sự đổi mới này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhờ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã “bắt đúng mạch”, tạo cơ hội để bà con phát triển kinh tế, sản xuất hướng đến chuỗi giá trị hàng hóa, tham gia học nghề, giải quyết việc làm… Đồng bào Khmer còn được tiếp cận nhiều hơn về y tế, giáo dục, văn hóa... nên có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức “không muốn khó nghèo hoài mà muốn vươn lên”. Bên cạnh, nhờ có khu công nghiệp ở ngay TX Bình Minh, nhiều doanh nghiệp, công ty mở ra… tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập, đời sống đồng bào Khmer nhờ vậy cũng nâng cao hơn. Mặt khác, nhờ ở gần đô thị nên được tiếp cận, thay đổi nhiều mặt theo hướng tích cực. Nhiều gia đình cho con cháu học hành đến nơi đến chốn với ý thức “học để có cái chữ, để có trình độ trong xã hội”.

 

Ông Thạch Dương- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Toàn tỉnh hiện có 1.022.791 người, trong đó 26.596 người dân tộc thiểu số (22.630 người Khmer). Hiện, tỉnh có 5 xã vùng đồng bào dân tộc (theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ) là: xã Loan Mỹ (Tam Bình), Đông Bình, Đông Thành (TX Bình Minh) và Tân Mỹ, Trà Côn (Trà Ôn). Trong đó, Tân Mỹ, Trà Côn là 2 xã đặc biệt khó khăn. Các xã có đồng bào Khmer nhưng chưa đến 30% là: Tích    Thiện, Thiện Mỹ, Hựu Thành (Trà Ôn), Trung Thành, Trung Hiếu (Vũng Liêm).

Hiện, Đông Thành và Loan Mỹ là xã NTM. Đông Bình là xã có đông đồng bào Khmer đầu tiên của TX Bình Minh và thứ 2 của tỉnh về đích NTM nâng cao. Còn 2 xã đặc biệt khó khăn, tỉnh tập trung nguồn lực để đến năm 2025 về đích NTM, đồng thời đạt theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN

>> Kỳ 2: Chí thú làm ăn để vươn lên