Có một mùa xuân "rất đẹp" trên biển đảo Tây Nam

Kỳ 3: "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"

Cập nhật, 18:10, Thứ Ba, 25/01/2022 (GMT+7)

Trên các hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc, các chiến sĩ ngày đêm bám đảo đến từ nhiều vùng, miền khác nhau. Nhớ gia đình, quê hương là điều không thể tránh khỏi nhưng vượt qua tất cả, họ gác lại tình riêng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Biển đảo là nhà, là quê hương, là nơi tình yêu chiến sĩ đơm hoa, kết trái thành những gia đình nhỏ.

Nhớ lời Bác dặn: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”.

Gia đình chị Hoài, anh Đạo bên món quà xuân từ đất liền.
Gia đình chị Hoài, anh Đạo bên món quà xuân từ đất liền.

Gia đình cán bộ hải quân

Được Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân giới thiệu gia đình có 3 người là cán bộ hải quân, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng Thiếu tá Nguyễn Thừa Đạo và Thiếu tá Trần Thị Thu Hoài vào một ngày Phú Quốc nắng đẹp.

Cơ duyên khiến chị Thu Hoài (Nghệ An) và anh Thừa Đạo (Hà Tĩnh) cùng vào Nam công tác tại Vùng 5 Hải quân này. Hai người ở “khúc ruột miền Trung” còn nhiều gian khó trở thành đồng đội, đồng chí rồi yêu thương, gắn bó với nhau và thành vợ chồng. Tình yêu đã làm đất lạ hóa quê hương, đảo Phú Quốc đã trở thành quê hương, thành mái ấm của anh chị và hai con trai.

Phú Quốc gắn bó với gia đình hải quân bao kỷ niệm.
Phú Quốc gắn bó với gia đình hải quân bao kỷ niệm.

Chị Thu Hoài không bao giờ quên những ngày tháng khó khăn của gia đình, của Phú Quốc hoang sơ ngày nào. “Hồi mới có con, lương vợ chồng tôi có 302.000 đồng/tháng, ở nhà thuê”- chị nói thêm: “Phú Quốc lúc đó cũng nghèo, con đường trước nhà là con đường mòn, hai người qua thì một người phải đứng lại. Đi một đoạn thì mới gặp được một cái nhà lá, nhà gỗ tạm. Người dân đi biển ban đêm thì thắp đèn dầu”.

Là những người lính cụ Hồ không ngại gian khó, hy sinh và luôn luôn phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Vượt qua những thử thách cuộc sống, anh chị gắn bó với đơn vị và có một mái nhà ấm cúng này. “Mỗi tuần được nghỉ 1 ngày, mà chồng nghỉ thứ 7 thì tôi nghỉ chủ nhật, hiếm hoi lắm mới có ngày cuối tuần cho cả nhà nhưng chúng tôi hiểu đó là trách nhiệm của người chiến sĩ”- chị Hoài nói.

Hạnh phúc hơn, con trai anh chị- Thiếu úy Nguyễn Thừa Phú, cũng bước vào hàng ngũ Hải quân Vùng 5. Thiếu úy Phú đang công tác tại Trạm Ra đa 605, cho biết: “Tôi chọn quân đội theo truyền thống gia đình và đó cũng là tình yêu với công việc ba mẹ mình đang làm, tôi hiểu được ý nghĩa đó và càng cố gắng nhiều hơn”.

Mỗi dịp Tết đến, gia đình anh Đạo ít khi có thời gian trọn vẹn đông đủ với nhau như những gia đình bình thường khác. Nhưng dù Tết có ngắn hơn thì với cả nhà đó là những ngày vui tuyệt vời.

Vừa tốt nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật Ra đa tháng 8/2021 thì Thừa Phú cùng đồng đội tham gia chống dịch ở TP Hồ Chí Minh. Khi thì Phú đi chợ cho bà con, khi thì gác các chốt kiểm dịch, khi thì test nhanh cộng đồng,… Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng Phú luôn nhận được sự động viên từ gia đình. Phú chia sẻ: “Ba mẹ luôn động viên khuyến khích tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đừng nề hà khó khăn gian khổ. Tấm gương ba mẹ là động lực để tôi yêu và gắn bó với công việc mình hơn”.

Niềm hạnh phúc của gia đình anh Đạo còn là nhìn quê hương thứ hai- Phú Quốc thay đổi từng ngày: “Chúng tôi vui vì gia đình mình đã góp một phần- dù nhỏ rất nhỏ thôi cho sự bình yên của đảo”.

Bài ca về “thầy giáo quân hàm xanh”

Thiếu tá Trần Bình Phục- Đồn biên phòng Hòn Chuối (Cà Mau)- người thầy giáo quân hàm xanh nổi tiếng trên mặt báo. Năm nay, tình hình dịch COVID-19 khiến thầy càng vất vả hơn. Thầy Phục không thể dạy trực tiếp nên hướng dẫn các em bằng cách đến từng nhà giao bài tập rồi thầy hướng dẫn các em đeo khẩu trang, dạy các em phòng dịch.

Khi được hỏi về cách dạy lớp nhiều độ tuổi, thầy Phục cười, nhớ về lớp học có 22 học sinh từ lớp 1-8 của mình, thầy nói: “Trong lớp học có 3 tấm bảng để theo 3 hướng, để các em không bị phân tâm và nhìn “lộn” vào bảng lớp khác. Môn học cũng có sự khác nhau để các em không mất tập trung khi học”. Để học trò đỡ bị nhầm lẫn, thầy bố trí các môn học của các lớp không trùng nhau, ví dụ lớp 2 học Tiếng Việt, lớp 3 học Toán, khi lớp này học thì lớp kia làm bài tập…

Thầy Phục đến từng nhà hướng dẫn học sinh.
Thầy Phục đến từng nhà hướng dẫn học sinh.

13 năm trước, thầy Bình Phục ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) 6 lần viết đơn tình nguyện xin ra Hòn Chuối công tác và được chấp nhận. “Lần đầu tôi ra đảo, các em nói tục chửi thề, không biết chữ. Có em cả gia đình ba thế hệ cũng không biết chữ, tôi xốn xang lắm”. Vậy là thầy Phục đi “năn nỉ” các em đến nhà học miễn phí.

Có lẽ vì tốt nghiệp ĐH Khoa học xã hội nhân văn nên thầy Phục tiếp cận sư phạm dễ hơn. Kiến thức, kỹ năng cũng theo năm tháng mà dạn dày. “Giờ thì tôi dạy không cần nhìn giáo án nữa”- thầy Phục nói. Niềm vui của thầy giáo quân hàm xanh là “3 lứa học trò đã ra trường, có em học đại học có việc làm, gọi về khoe với thầy”.

Thầy Phục xác định điều quan trọng là truyền tải kiến thức cơ bản cho các em không phải đi sâu vào chất lượng như học trong đất liền được. Bên cạnh, thầy nhờ các em lớp lớn “trợ giảng” kiểm tra bài lớp 1, 2, 3. Thầy Phục nói: “Mong muốn trước mắt của tôi là giúp các em có kiến thức để thay đổi tư duy xem việc học là quan trọng. Làm sao nâng cao dân trí, để các em có điều kiện học như các em trong đất liền”. Xa hơn, thầy Phục muốn có người tiếp nối: “Nếu ngành giáo dục có người ra tiếp nhận, tôi bàn giao ngay. Giáo viên thật sự sẽ có chuyên môn, kỹ năng tốt hơn cho học trò”.

Cán bộ chiến sĩ Tây Nam gác việc riêng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cán bộ chiến sĩ Tây Nam gác việc riêng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Công tác chuyên môn của thầy Phục là vận động quần chúng: tuyên truyền giúp ngư dân hiểu không đánh bắt cá ra khỏi vùng biển Việt Nam; tuyên truyền phòng chống dịch,… Đến từng nhà, nên thầy Phục hiểu rõ bà con Hòn Chuối thiếu gì, cần gì. Thầy đúc kết: “Cuộc sống bà con còn nghèo quá. Mong cuộc sống được nâng lên để các em được học hành tử tế. Muốn bà con yên tâm bám đảo phải tạo điều kiện cho bà con thoát nghèo”.

Ý thức trách nhiệm và tình yêu biển đảo, xem biển đảo là nhà đã giúp cán bộ chiến sĩ Tây Nam vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương biển đảo ngày càng giàu đẹp.

Đồng chí Nguyễn Huỳnh Thu- Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long: Đối với tôi đây là chuyến đi hết sức ý nghĩa, giúp bản thân hiểu hơn về vị trí địa lý, đời sống người dân biển đảo. Tôi khâm phục cán bộ chiến sĩ bằng tình yêu Tổ quốc đã vượt qua khó khăn, gác việc riêng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các anh luôn phấn khởi, vui vì được cống hiến, đây là điều mà tôi học hỏi, để yêu công việc và trách nhiệm hơn với việc mình làm. Trách nhiệm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về biển đảo, biển đảo Tây Nam.

 

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: CAO HUYỀN