Tản văn

Cánh đồng quê

Cập nhật, 14:49, Chủ Nhật, 05/09/2021 (GMT+7)

Phía sau nhà tôi là cánh đồng. Vì cây lúa rất thân thuộc nên từ nhỏ tôi đã có thể nghe rõ từng tiếng lúa khua rì rào trong những đêm thanh vắng. Người già nói cây lúa cũng giống như con người: lúa đang thở. Từ lâu, dân xóm tôi thường có thói quen đếm thời gian trong năm bằng những vụ mùa chính từ cây lúa.

Lối cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch, người ta bắt đầu sạ lúa. Lúc ấy, cả cánh đồng là một màu nâu sạm của đất, của những hạt phù sa phơi mình trong nắng ấm. Vậy mà chỉ mấy ngày sau, dường như có một phép nhiệm mầu, cánh đồng đã phơn phớt màu xanh lá mạ- dấu hiệu của sự sống. Đến khi cái màu xanh, non trong ấy chuyển dần sang xanh đậm là tháng mười một đã bắt đầu. Tháng mười một, những sóng lúa xanh mơn mởn trải dài, rập rờn trong gió làm lả lướt cánh cò như bức tranh cổ tích. Sang tháng mười hai, lúa đòng đòng, hạt tròn mình, đẹp như tuổi xuân thì của cô con gái. Rồi lúa đỏ đuôi, điểm xuyết trên nền xanh là những chấm vàng tựa tấm thảm bông được dệt từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân.

Mùa thu hoạch vào lúc giáp tết hoặc sau tết. Ai đã đem chợ về quê? Thật vậy! Vào mùa, nhóm thợ gặt, dân nuôi vịt chạy đồng kéo nhau tới che lều tạm, cánh thương lái thì cho ghe vào đồng để thu mua lúa, mua hột vịt. Ghe hàng xuôi ngược dưới kinh, hàng quán mọc lên dọc theo hai bên bờ bày bán đủ loại thức ăn, nước uống. Mọi sinh hoạt trở nên nhộn nhịp, đông vui như kẻ chợ.

Sau mùa, cánh đồng khô trơ rạ, và đâu đó un un mùi khói đốt đồng khiến những người con xa nhà nhớ quê đến cay khóe mắt. Lúc ấy, mọi người lại rủ nhau đi bắt chuột đồng bằng nhiều cách như đào hang, thổi khói vào hang, dùng chó bắt chuột,… vui không thể tả. Từ con chuột, rất nhiều món ngon được chế biến như chiên, kho, xào lăn, rô ti,… Bây giờ, ở thành thị đã có một số quán đặc sản “chuột” để phục vụ thực khách nhưng có lẽ sẽ không gì sánh bằng được tận tay bắt chuột rồi thưởng thức thịt chuột từ ngay chốn hương đồng gió nội. Còn gì thú vị hơn khi những chiều rỗi việc trải đệm ra hè, nhâm nhi vài xị đế với thịt chuột nướng cùng mấy ông bạn nhà nông láng giềng. Xa xa, ở phía cuối chân trời là đùng đục màu khói trắng đốt đồng, dưới kinh thấp thoáng mái chèo của cô thôn nữ. Lúc ấy, thể nào cái máu văn nghệ lãng tử của những kẻ miệt vườn như chúng tôi cũng trỗi dậy, rồi đờn, rồi ca mấy câu vọng cổ hay một số bài bản trong các trích đoạn cải lương. Chiều quê, tiếng đờn, câu hát sau một mùa bội thu lan xa trên đồng rộng khiến lòng người càng thêm sảng khoái.

Tháng ba, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống cũng là lúc tụi con nít xách thùng ra đồng bắt dế. Cái thú đi bắt dế ngoài đồng, trẻ em ở chợ làm gì biết được, chúng chỉ biết những con dế do người ta bày bán trên vỉa hè hay một góc phố nào đó. Còn những buổi chiều mưa dầm, tối đến, người ta lại xúm nhau đi soi ếch. Trong đêm, đèn soi ếch sáng rực cả cánh đồng như những ánh đèn nhấp nháy chốn đô thành.

Tháng tư, mưa đã già, mùa sạ lúa cho vụ mới bắt đầu. Tôi lại nhìn ra đồng, đếm thời gian khi lúa chuyển từ xanh non sang xanh thẫm, đòng đòng, đỏ đuôi và tới tháng bảy thì thu hoạch…

Tháng bảy lũ bắt đầu về, nông dân cho đất nghỉ ngơi, không bao đê để làm vụ ba như một số vùng khác. Mất vụ ba nhưng bù lại khi nước ngập đồng sẽ cho rất nhiều tôm cá và nhận được lượng phù sa dồi dào tốt gấp bội phần phân bón hóa học.

Có lần, tôi đi Tây Bắc thấy nông dân miền núi khá vất vả khi làm ruộng bậc thang. Nhìn các thửa ruộng nhỏ xíu nằm cheo leo trên sườn núi, tôi giật mình ngẫm lại thấy cánh đồng ở quê nhà sao mà rộng ngút ngàn đến vậy, lòng thầm cảm ơn thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho chúng tôi cánh đồng đầy ắp phù sa.

Tôi lớn lên trên đồng. Tuy cuộc sống nhà nông ngày nay đã có nhiều thay đổi, những chiếc máy gặt đập đã thay công lao động cho con người bớt đi phần vất vả, hình ảnh những cô thôn nữ chèo xuồng cũng đã đi vào dĩ vãng nhưng cánh đồng quê luôn gắn bó và mãi đẹp trong tôi. Và hàng ngày tôi vẫn không quên nhìn ra đồng để biết rằng bây giờ là tháng mấy.

NGUYỄN LINH

 

Các tin khác: