Con nuôi phải là người được cơ quan có thẩm quyền đăng ký

Cập nhật, 18:52, Thứ Năm, 15/09/2022 (GMT+7)

Cách đây 10 năm, ba mẹ tôi thương hoàn cảnh của một chị ở xóm, mồ côi cha mẹ, chị ở với người cô ruột nhà nghèo. Thấy chị vất vả, ba mẹ tôi kêu sang nhà tôi ở và nuôi dưỡng như con ruột, cho đi học nghề. Lúc sang nhà tôi chị đã 19 tuổi. Gặp ai tới nhà, ba mẹ tôi thường nói đó là con gái nuôi. Điều này chỉ nói miệng, không có giấy tờ chứng minh chị ấy là con nuôi. Nếu mai này ba mẹ tôi mất đi, chị ấy có được chia thừa kế không?

N.T.V. (Long Hồ)

Trả lời:

Theo điểm a, khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự về người thừa kế theo pháp luật, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Quy định này cho thấy con nuôi cũng thuộc hàng thừa kế như con ruột. Nhưng trong trường hợp này, khi chị ấy về nhà chị ở đã 19 tuổi (quá tuổi quy định được nhận làm con nuôi). Bên cạnh đó, giữa ba mẹ chị và người chị nêu trên chỉ nhận làm cha mẹ và con nuôi bằng lời nói miệng, không đăng ký việc nhận con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Do đó, về pháp luật chị ấy không được công nhận là con nuôi của ba mẹ chị. Theo khoản 1, 2 và Điều 3 Luật Nuôi con nuôi: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Chị ấy không được cơ quan có thẩm quyền công nhận là con nuôi của ba mẹ chị, nên sau này sẽ không được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của ba mẹ chị.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ