Giải quyết tranh chấp từ hụi

Cập nhật, 05:47, Thứ Năm, 25/08/2022 (GMT+7)

(VLO) Gần đây, ở xóm tôi có người làm đầu thảo hụi, mẹ tôi tin tưởng và tham gia khá nhiều dây. Riêng tôi rất đắn đo vì không biết pháp luật có cho phép hình thức này hoạt động hay không? Nếu có sự cố gì xảy ra, người tham gia hụi có nhờ cơ quan pháp luật giải quyết được hay không?

L.T.C.M. (Tiền Giang)

Trả lời: Điều 471 Bộ luật Dân sự quy định: Hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lãnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ trong Nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tổ chức hụi có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của bộ luật này. Nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi. Như vậy, nếu việc tổ chức hụi theo hình thức đúng quy định trên là pháp luật không nghiêm cấm.

Trường hợp có xảy ra tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP như sau: Trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ