Quyền của người làm chứng

Cập nhật, 19:41, Chủ Nhật, 12/06/2022 (GMT+7)

Tôi vừa được 1 người thân là đương sự trong 1 vụ tranh chấp tài sản cho biết sẽ đề nghị tòa án triệu tập tôi làm người làm chứng. Nếu vậy, tôi sẽ bị kẹt giữa 2 bên đương sự, bởi cả hai đều thân quen. Tôi rất băn khoăn vì bên đương sự còn lại rất hung dữ và lo ngại họ sẽ gây bất lợi cho tôi. Vậy tôi phải làm sao?

N.T.M. (Tiền Giang)

Trả lời:

Theo khoản 1 và 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự, người làm chứng có nghĩa vụ: Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc; khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc. Khoản 7 và 9 điều luật này còn có quy định: Người làm chứng phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác; phải cam đoan trước tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

Tuy nhiên, về những gì chị đang băn khoăn, được quy định tại khoản 3 và 6 điều luật trên như sau: Người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.

Người làm chứng được yêu cầu tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ