Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

Cập nhật, 05:48, Thứ Ba, 28/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Ba mẹ tôi qua đời không để lại di chúc. Chúng tôi muốn chia thừa kế nhưng người anh lớn đang ở nhà và quản lý tài sản của ba mẹ để lại, không muốn chia. Trường hợp này chúng tôi phải làm sao?

N.T.K. (Tam Bình)

Trả lời: Trường hợp này, anh em của chị có quyền đề nghị người đang quản lý di sản của ba mẹ chị để lại chia thừa kế theo pháp luật. Theo khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Bên cạnh đó, khoản 2 điều luật trên còn có quy định thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, hàng thừa kế (theo pháp luật) thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ