Năm 2023, xử lý hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Cập nhật, 15:04, Thứ Ba, 09/01/2024 (GMT+7)

(VLO) Đây là một trong những thông tin được báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT năm 2023. Hội nghị do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức ngày 9/1 theo hình thức trực tuyến.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Vĩnh Long.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Vĩnh Long.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia- Trần Lưu Quang cho biết, hội nghị là dịp lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, địa phương về kinh nghiệm, bài học trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả hơn nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2024.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, các vụ vi phạm nồng độ cồn vừa nêu chiếm đến 23,04% tổng số vi phạm về giao thông được xử lý trong năm 2023. Bên cạnh đó, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm về số vụ và số người chết.

Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thành xe được xử lý một cách căn bản.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (cơ quan thường trực về ATGT của Đại hội đồng Liên hợp quốc), giai đoạn 2011-2020, Việt Nam là 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ giảm trên 30%.

Lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát, kịp thời xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát, kịp thời xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, cả nước còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời.

Tình trạng tụ tập đua xe trái phép, ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá, hành vi chống người thi hành công vụ vẫn còn xảy ra.

Do vậy, để đảm bảo trật tự, ATGT trong năm 2024, Ủy ban ATGT Quốc gia phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu: tiếp tục kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và đô thị lớn.

Với các nhiệm vụ cụ thể như: xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh.

Tin, ảnh: NGUYỄN THỊNH