Tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Cập nhật, 13:48, Thứ Sáu, 04/11/2022 (GMT+7)
Tai nạn giao thông còn nhiều phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Ảnh minh họa
Tai nạn giao thông còn nhiều phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Ảnh minh họa

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều biện pháp cụ thể, hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT. Đặc biệt, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư (khóa XI), công tác này được thực hiện thường xuyên, góp phần kéo giảm tai nạn, phát hiện và kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.

Nhiều giải pháp đảm bảo ATGT

Thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông (GT), giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh Vĩnh Long thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT; quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng GT và năng lực vận tải; thiết lập trật tự, kỷ cương, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT có dấu hiệu tội phạm; nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT và khắc phục ùn tắc GT.

Giai đoạn 2012 - 2022, công tác xét xử các vụ án hình sự liên quan đến trật tự, ATGT được TAND cấp huyện thụ lý sơ thẩm 543 vụ, 567 bị cáo. Trong đó, chủ yếu là tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GT đường bộ (534 vụ), còn lại là các tội như: Cản trở GT đường bộ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GT đường thủy, giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện GT đường bộ, đưa vào sử dụng các phương tiện GT đường bộ không đảm bảo an toàn.

Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT”, xây dựng nhân rộng các mô hình tiên tiến, đoạn đường ATGT.

Cùng với công tác này, theo Đại tá Nguyễn Trọng Dũng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Ban Giám đốc đã chỉ đạo lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động tổ chức thành các tổ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên suốt 24/24 giờ trên tất cả các tuyến đường, đảm bảo khép kín địa bàn.

Thường xuyên mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, phòng chống đua xe trái phép và thành lập các tổ gồm lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự tuần tra vũ trang, tập trung 20 giờ đến 5 giờ nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Nhìn chung, qua triển khai Chỉ thị số 18, tai nạn GT năm sau giảm so năm trước, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang lộ giới, công trình GT trên đường bộ, lấn chiếm luồng lạch trên sông có diễn ra nhưng không ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự, ATGT đã góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực. Nhiều điểm đen, nơi tiềm ẩn tai nạn, phức tạp về trật tự, ATGT được xóa bỏ.

Bên cạnh, tỉnh quan tâm công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GT, đã ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới GT tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, xã hội hóa, tỉnh xây dựng hơn 902km đường và gần 7km cầu, tạo điều kiện giao thương thuận tiện, vận chuyển hàng hóa, hành khách và phát triển kinh tế.

Phấn đấu kéo giảm 5 - 10% số vụ tai nạn GT, số người chết

Theo thống kê, giai đoạn 2012 - 2022, toàn tỉnh xảy ra hơn 4.500 vụ tai nạn GT làm chết hơn 1.200 người, bị thương hơn 5.100 người, thiệt hại tài sản hơn 18 tỷ đồng; chiếm đa số trong số đó là tai nạn đường bộ với hơn 4.500 vụ làm chết hơn 1.200 người, bị thương hơn 5.100 người.

Mặc dù tai nạn GT năm sau được kéo giảm nhưng theo đánh giá của Công an tỉnh, con số này chưa thật sự bền vững, vì giảm số vụ và người bị thương nhưng số người chết có năm giảm năm tăng.

Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng có biểu hiện đua xe, cổ vũ đua xe trái phép vẫn còn xảy ra. GT ở nông thôn còn nhiều bất cập, một số tuyến đường nhỏ hẹp, xuống cấp, gây mất ATGT, ùn tắc GT vào giờ cao điểm.

Trong khi đó, theo Sở GT - VT, việc xây dựng các công trình GT còn thiếu tính đồng bộ, đặc biệt là sự chênh lệch giữa tải trọng cầu và đường. Hầu hết các tuyến đường tỉnh trong giai đoạn đầu chỉ đầu tư xây dựng đường cấp V, tải trọng khai thác 10 - 15 tấn.

Một số tuyến đã nâng cấp nhưng hệ thống cầu trên tuyến chưa nâng cấp đồng bộ với đường về bề rộng và tải trọng dẫn đến tình trạng “nút thắt cổ chai” như ĐT902 và ĐT908, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18, ông Nguyễn Thành Thế - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết, hàng năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị về đảm bảo an ninh trật tự, ATGT, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác này.

Tuy nhiên, trước tình hình tai nạn GT vẫn còn phức tạp, để đạt mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn GT, ông Nguyễn Thành Thế lưu ý các ngành, địa phương đổi mới, nâng cao công tác giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT.

Quan tâm đầu tư sửa chữa, mở rộng các tuyến đường, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Rà soát các trường hợp thường xuyên vi phạm GT để có biện pháp giáo dục, cam kết không tái phạm.

Đối với các ngành tòa án, viện kiểm sát, công an, y tế, cần phối hợp điều tra, tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến tai nạn, từ đó có hướng giải quyết dứt điểm, hạn chế thấp nhất tai nạn GT.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, giai đoạn 2012 - 2022, cơ quan chức năng tuần tra hơn 217.000 cuộc, phát hiện hơn 375.000 trường hợp vi phạm chủ yếu các lỗi: nồng độ cồn, tốc độ, không có giấy phép lái xe. Ngoài ra, phát hiện 57 trường hợp vi phạm lỗi thiếu trang thiết bị PCCC, bảng nội quy bến, bến quá hạn giấy phép, thiết bị chuyên dùng chưa đăng ký, đăng kiểm. Qua công tác tuần tra kiểm soát GT, giải tán 18 nhóm thanh thiếu niên tụ tập trên các tuyến quốc lộ, 5 đối tượng dương tính với chất ma túy, lập biên bản hơn 9.100 trường hợp chở hàng quá tải, hơn 1.300 phương tiện vận chuyển hàng hóa không hóa đơn chứng từ, hơn 300 phương tiện bơm hút cát trái phép trên các tuyến sông.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG