Phòng chống tội phạm mua bán người

"Nghĩ trước, bước sau" để không sụp bẫy

Cập nhật, 09:56, Thứ Sáu, 30/09/2022 (GMT+7)

 

Các hoạt động mít tinh, tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người được các ngành, các cấp trong tỉnh Vĩnh Long thực hiện thường xuyên.
Các hoạt động mít tinh, tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người được các ngành, các cấp trong tỉnh Vĩnh Long thực hiện thường xuyên.

“Nghĩ trước, bước sau” tức là phải cân nhắc, suy xét thật kỹ trước khi lựa chọn để không vấp phải sai lầm. Đây cũng là thông điệp mà Bộ Công an đưa ra để mỗi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết âm mưu, thủ đoạn, tự bảo vệ mình và người thân, không để sụp bẫy tội phạm mua bán người (MBN).

Liên Hợp Quốc xác định MBN là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất và được đưa vào “Chương trình phòng chống tội phạm toàn cầu”. Còn theo Bộ Công an, tình hình tội phạm MBN trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng diễn biến khá phức tạp và có xu hướng gia tăng. Tội phạm này gây nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của an sinh xã hội và là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.

Hiện nay, tội phạm MBN lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber,… để dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc với hứa hẹn lương cao, công việc nhàn hạ. Tiếp đến, các đối tượng tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do người nước ngoài điều hành. Các nạn nhân khi đến nơi mới biết không phải “miền đất hứa” như trông đợi mà bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.

Bên cạnh đó, tội phạm MBN còn lợi dụng hình thức tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, sau đó môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán. Các đối tượng lập hội, nhóm kín “Cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội hoặc dụ dỗ, môi giới việc làm, cưỡng bức lao động,… Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang nơi khác.

Tỉnh Vĩnh Long trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; các ngành, đoàn thể, tích cực, nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống tội phạm MBN đến tận cơ sở. Công tác phòng ngừa xã hội luôn gắn kết chặt chẽ với công tác phòng ngừa nghiệp vụ. Vì vậy, đến nay tỉnh chưa phát hiện loại tội phạm về MBN. Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đây là kết quả của sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và nhân dân. Điều này rất đáng mừng và trân trọng, cần được tiếp tục phát huy thực hiện trong thời gian tới. Dù vậy, theo đánh giá của BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, trước những diễn biến khó lường như hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn khả năng phát sinh tội phạm này.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Công an cũng vừa đưa ra thông tin cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN; đồng thời phát đi thông điệp “Nghĩ trước, bước sau” để người dân cân nhắc tương lai, vận mệnh của mình và người thân. Cụ thể, để không trở thành nạn nhân của tội phạm MBN, trước hết mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN. Từ đó, tự bảo vệ chính bản thân mình và người thân trước những hành vi phạm tội của tội phạm này.

Theo Bộ Công an, mỗi người dân cần tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm MBN và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người vượt biên trái phép, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, MBN, cần thông báo cho người thân, gia đình kịp thời trình báo cho cơ quan công an để ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Thực hiện công tác phòng chống tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý ngành công an tăng cường công tác nắm tình hình, thường xuyên thông tin các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm này để người dân cảnh giác, phòng tránh. Song song, ngành lao động - thương binh và xã hội, ngành tư pháp thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, kết hôn, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, không để tội phạm lợi dụng chính sách này để hoạt động.

6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng cả nước phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử 29/61 bị cáo phạm tội “MBN” và “MBN dưới 16 tuổi”; 1 vụ với 1 bị cáo phạm tội “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh giải cứu, hỗ trợ 66 nạn nhân bị mua bán.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG