Hàng xóm kiện nhau giành mương nước

Cập nhật, 17:53, Thứ Sáu, 01/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Mương nước nối ranh đất 2 nhà nhưng bên nào cũng muốn sở hữu dẫn đến tranh chấp nhiều năm phải nhờ tòa phân xử.

Năm 2011, ông T.V.B. kiện hàng xóm là bà C.T.H. (cùng xã Đông Bình- TX Bình Minh) đòi mương nước giáp ranh đất 2 nhà. Qua 2 cấp xét xử, vụ kiện được giao về cơ sở giải quyết lại từ đầu. Đến tháng 7/2018, bà H. lại đứng đơn kiện ông B. đòi quyền sử dụng mương nước.

Theo bà H. trình bày: Cái mương 100m2 thuộc một phần thửa 555 do bà đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là mương dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất lúa mà gia đình bà sử dụng hàng chục năm qua. Cạnh bên là đất của ông B., có bờ mẫu và mỗi người sử dụng nửa bờ.

Năm 1995, ông B. bồi đắp dần mương nước của bà và chiếm làm bờ mẫu trồng cây, dẫn đến tranh chấp từ đó đến nay. Do đó, bà yêu cầu ông B. giao trả lại 100m2 đất là con mương khi xưa và đốn hoặc di dời cây trồng đi nơi khác.

Ông B. không đồng ý và đã có đơn phản tố với lý do nguồn gốc đất tranh chấp là một phần trong diện tích 3.650m2 đất trồng lúa do cha ông để lại.

Trong thời gian bà H. canh tác có tranh chấp mương nước với ông và đã được UBND xã Đông Bình giải quyết mỗi người sử dụng nửa mương nhưng bà H. không đồng ý.

Đến khi có chương trình VLAP, bà H. cắm cọc qua phần đất ông trồng cây và cho rằng đó là đất của bà H. nên ông không đồng ý giao đất và yêu cầu tòa công nhận phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông.

Căn cứ vào lời khai của người làm chứng cùng các chứng cứ thu thập được, HĐXX của TAND TX Bình Minh đã công nhận cho bà H. và ông B. mỗi bên được sử dụng một nửa phần đất tranh chấp; bà H. được sử dụng số cây trồng trên nửa phần đất được công nhận và trả cho ông B. giá trị cây trồng tương đương 580.000đ. Tuy nhiên, bà H. không đồng ý đã gửi đơn kháng cáo yêu cầu được sử dụng toàn bộ đất tranh chấp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi nghe HĐXX phân tích về các quy định của pháp luật, bà H. đã rút kháng cáo và đồng ý với quyết định mà tòa sơ thẩm đã tuyên là nhận một nửa đất tranh chấp. Ông B. cũng thể hiện thiện chí “dĩ hòa vi quý” là tự chặt số cây trồng đưa ra khỏi nửa phần đất bà H. được sử dụng và không yêu cầu bà H. phải trả tiền giá trị cây trồng.

Cách giải quyết được xem là “hợp lý, vẹn tình” và không trái pháp luật nên được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận. Giá như trước đây, đôi bên không vì cái tôi mà ngồi lại tìm tiếng nói chung và thống nhất cách giải quyết như trên sớm hơn thì đã không mất hơn chục năm dài tranh chấp, tới lui hòa giải, kiện tụng.

DIỄM PHƯỢNG

Các tin khác: