Giữ gìn tính nghiêm minh của pháp luật

Cập nhật, 13:58, Thứ Ba, 26/07/2022 (GMT+7)

 

Ngành kiểm sát phối hợp tòa án trong công tác truy tố, xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Ngành kiểm sát phối hợp tòa án trong công tác truy tố, xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không oan sai, bỏ lọt tội phạm.

(VLO) Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước.

Cùng với cả nước, ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cửu Long được thành lập vào ngày 23/4/1976. Đến năm 1992, khi tỉnh Cửu Long được tách ra thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng được thành lập.

Thời gian này, viện chỉ đạo tập trung kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trên các lĩnh vực hoạt động kinh tế trọng điểm. Qua đó, ban hành 89 bản kháng nghị, 12 bản kiến nghị, thu hồi hơn 32 tỷ đồng, 96.660 USD, hơn 39.000m2 đất và nhiều tài sản khác.

Đến năm 2002, đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát khi Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân có hiệu lực.

Viện Kiểm sát thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính- kinh tế- xã hội.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện chủ động phối hợp cùng cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tăng cường công tác kiểm sát điều tra, chú trọng việc kiểm sát điều tra ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Viện kiểm sát 2 cấp đã quyết định truy tố 13.529 vụ án hình sự, đưa ra xét xử sơ thẩm 13.312 vụ và phúc thẩm 3.038 vụ. Trong đó đã xử lý nhiều vụ án lớn, phức tạp, các vụ án về kinh tế, ma túy, tham nhũng, các loại tội phạm có tổ chức, đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Ngoài ra, viện chủ động phối hợp với tòa án xét xử lưu động 640 vụ án điểm, phức tạp, chọn xét xử 1.072 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp.

Qua đó, tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, đạt hiệu quả trong việc phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã.

Không để oan sai, bỏ lọt tội phạm

Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, ngành kiểm sát quan tâm thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội.
Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, ngành kiểm sát quan tâm thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội.

Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh luôn chú trọng đổi mới công tác tổ chức cán bộ. Đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ thị của ngành và kế hoạch công tác kiểm sát, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đảm bảo đúng quy định pháp luật, không có trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính được nâng cao; công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, dân sự có nhiều chuyển biến tích cực; các vi phạm trong hoạt động tư pháp được phát hiện kịp thời, qua đó ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị được các cơ quan tư pháp chấp nhận khắc phục.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh- Trần Thanh Hùng, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tỉnh ủy Vĩnh Long, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và Nhân dân đồng tình ủng hộ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vượt qua bao thăng trầm, thử thách để vững bước trên con đường đổi mới và phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp.

Các thế hệ cán bộ kiểm sát cống hiến cả tâm huyết, trí tuệ, sức lực, tinh thần cho sự nghiệp đấu tranh giữ gìn tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết thêm: Đơn vị sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, kịp thời khắc phục những tồn tại, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn” theo lời dạy của Bác, quyết tâm xây dựng ngành kiểm sát tỉnh Vĩnh Long trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao.

Với những thành tích đạt được, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Bên cạnh, 1 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng nhất, 3 tập thể và 3 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, 9 tập thể và 16 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 7 tập thể và 31 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Hàng năm, Đảng ủy và Công đoàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH