Làm ơn mắc... nợ!

Cập nhật, 13:57, Thứ Ba, 28/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Mượn tài sản của người thân thế chấp ngân hàng để vay tiền nhưng kéo dài nhiều năm không trả dẫn đến tiền lãi tăng hàng trăm triệu đồng. Người cho mượn tài sản đối diện với cảnh phải giao đất cho cơ quan thẩm quyền xử lý để thanh toán nợ ngân hàng.

Ngày 13/3/2012, vợ chồng ông L.H.S. (ở TP Vĩnh Long) ký hợp đồng tín dụng với một ngân hàng thương mại trên địa bàn vay 80 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 2% tháng, lãi quá hạn 150% và phạt chậm trả lãi 0,1% ngày.

Theo thỏa thuận, ông S. sẽ thanh toán nợ gốc cuối kỳ, lãi vay trả vào ngày 14 hàng tháng. Để đảm bảo nợ vay, 2 bên còn ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) và ông S. đã mượn giấy chứng nhận QSDĐ của người thân là ông N.H.T. (ở Long Hồ) thế chấp cho ngân hàng.

Do sau khi vay tiền, ông S. không trả nợ và đóng lãi như thỏa thuận nên ngày 15/6/2020, phía ngân hàng khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông S. thanh toán nợ gốc 80 triệu đồng, lãi trong hạn hơn 10,7 triệu đồng, lãi quá hạn hơn 242,3 triệu đồng và phạt chậm trả lãi hơn 35,5
triệu đồng.

Tại biên bản hòa giải ngày 15/6/2021, ông S. thừa nhận có vay của ngân hàng 80 triệu đồng đến nay chưa trả vì ngân hàng tính lãi không hợp lý nên yêu cầu được trả lãi theo quy định của pháp luật.

Ông T. với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trình bày: Vợ chồng ông chỉ cho mượn tài sản để ông S. vay tiền và có ký hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm khoản nợ 80 triệu đồng của ông S. nhưng không có đến văn phòng công chứng ký tên.

Lúc đó, hợp đồng thế chấp không ghi ngày, chỉ ghi tháng và năm của hợp đồng vay. Khi ông S. và đại diện ngân hàng ra công chứng thì không ghi năm 2012 mà lùi lại năm 2011. Do đó, ông T. yêu cầu tòa hủy hợp đồng thế chấp nói trên để trả lại tài sản cho gia đình ông.

Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX đều cho rằng: Thực tế, vợ chồng ông S. có nhận vay 80 triệu đồng của ngân hàng nhưng đến hạn không trả là vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận.

Về lãi suất, do 2 bên xác lập hợp đồng trên cơ sở tự nguyện nên ông S. phải chịu mức lãi suất mà hai bên tự nguyện giao kết là đúng với quy định tại Điều 8 Nghị quyết 01/2019/NĐ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Do đó, việc ông S. không đồng ý trả lãi theo yêu cầu của ngân hàng là không có căn cứ chấp nhận.

Đối với ông T. yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp và không chấp nhận giao đất cho cơ quan thẩm quyền xử lý để thanh toán nợ cho ngân hàng, HĐXX cũng không chấp nhận.

Vì ngày 13/3/2012, vợ chồng ông T. ký hợp đồng thế chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất cho ngân hàng, trong đó thể hiện rõ nội dung là để đảm bảo khoản nợ vay theo hợp đồng tín dụng (không ghi ngày, chỉ ghi tháng 3/2012).

Vợ chồng ông T. khai chỉ ký vào hợp đồng thế chấp chứ không đến ký trước công chứng viên nhưng ông T. và vợ chồng ông S. đều thừa nhận và xác định việc ký hợp đồng thế chấp là nhằm đảm bảo khoản vay 80 triệu đồng của ông S..

Hợp đồng thế chấp được chứng thực và đăng ký thế chấp tại cơ quan có thẩm quyền nên trường hợp ông S. không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì ông T. phải giao tài sản thế chấp để thanh toán nợ là đúng quy định.

Do đó, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên buộc vợ chồng ông S. có nghĩa vụ trả nợ gốc 80 triệu đồng, lãi trong hạn hơn 10,7 triệu đồng, lãi quá hạn hơn 242,3 triệu đồng, tổng cộng vốn và lãi hơn 333 triệu đồng, không chấp nhận số tiền phạt chậm trả lãi hơn 35,5 triệu đồng theo yêu cầu của ngân hàng. Trường hợp ông S. không thanh

toán được số tiền trên thì ông T. phải giao tài sản thế chấp là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất để cơ quan có thẩm quyền xử lý thanh toán nợ cho ngân hàng và tiền lãi sẽ được tính tiếp theo mức lãi suất các bên đã thỏa thuận cho đến khi ông S. thanh toán xong nợ gốc.

Vay tiền phải trả là quy định bắt buộc nên việc ông S. kéo dài việc trả nợ không chỉ làm tăng lãi suất, gây thiệt cho mình mà còn khiến người thân rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

DIỄM PHƯỢNG