"Đòi nợ thuê" và "tín dụng đen" lan từ Bắc vào Nam

Kỳ cuối: Người vay vốn "tín dụng đen" khốn đốn

Cập nhật, 05:52, Thứ Năm, 31/05/2018 (GMT+7)

Chỉ cần CMND, sổ hộ khẩu hay chỉ hóa đơn tiền nước, điện thoại,… là có thể vay vốn “tín dụng đen”. Thời gian qua không ít người vay “tín dụng đen” phải khốn đốn.

Băng nhóm “tín dụng đen”, “đòi nợ thuê” từ miền Bắc vào Nam đều là thành phần bất hảo, người đầy những hình xăm như ra oai, hù dọa con nợ.

Họ hoạt động “tín dụng đen” dưới danh nghĩa hỗ trợ tài chính và cho người đi vào các ngõ ngách phố thị và tận làng quê dán quảng cáo trên cây, cột điện, kèm theo số điện thoại liên hệ.

Một đối tượng cầm đầu băng nhóm cho vay nặng lãi.
Một đối tượng cầm đầu băng nhóm cho vay nặng lãi.

Lãi suất “cắt cổ”

Hoạt động của “tín dụng đen” được rải khắp từ các khu công nghiệp, bến xe, chợ đến tận vùng nông thôn với hình thức phát tờ quảng cáo.

Theo tờ quảng cáo, muốn vay vốn chỉ cần thế chấp cà vẹt xe gắn máy, alô 15 phút là có tiền và mức vay có thể tới 100% giá trị tài sản (xe gắn máy).

Các tờ quảng cáo “hấp dẫn” như thế này dán đầy trên các cột điện, vách tường, bờ rào hay cái cây nào đó. Nhiều người không biết được phía sau quảng cáo đó tiềm ẩn những cạm bẫy...

Dù biết đó là hình thức “tín dụng đen” lãi suất cao nhưng những người không điều kiện đến ngân hàng vay vốn đành chấp nhận vay tiền của họ.

Người vay nghĩ đơn giản cứ vay trong thời gian ngắn thì sẽ không trả lãi nhiều. Tuy nhiên, khi vay rồi thì chẳng khác nào vướng vòng “kim cô”, khó mà thoát ra được bởi cạm bẫy chúng đã giăng sẵn.

Nhiều người do chủ quan hay gặp khó trong việc thanh toán dẫn đến tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con” đi đến tình trạng nợ chồng nợ, bị cưỡng đoạt tài sản.

Trường hợp của anh Nguyễn Minh Tâm- công nhân Khu công nghiệp Hòa Phú- vay “tín dụng đen” 10 triệu đồng mà gồng mình trả nợ hơn 1 năm vẫn chưa hết.

Anh Tâm cho biết, làm công nhân, sống xa nhà nên những lúc khó khăn tiền bạc không biết mượn ai xoay xở. Biết được ý định cần tiền, có người tiếp cận và nói chỉ cần cà vẹt xe là sẽ vay được tiền.

“Biết đây là vay nặng lãi nhưng nghĩ đến có lương sẽ trả thì chắc không ảnh hưởng gì. Thế nhưng lãnh lương ra thì có chuyện chi tiêu, chỉ đóng lãi 30%/tháng và những tháng thiếu hụt không trả nên “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền phạt trễ hạn.

Sau hơn 1 năm (có những tháng không trả lãi), họ tính tui còn thiếu gần 30 triệu đồng và chặn đường cưỡng đoạt điện thoại hiệu Samsung. Tết vừa qua, họ còn tìm đến nhà đe dọa gia đình buộc trả nợ thay”- anh Tâm cho biết thêm.

Tương tự, anh Võ Tấn Tài bị bọn “xã hội đen” truy tìm đòi nợ. Anh Tài thế chấp thẻ ATM để vay nóng bên ngoài 5 triệu đồng với lãi suất 30% và hứa trả khi có lương.

Anh Tài trả nợ được vài tháng thì mất khả năng chi trả và chỉ vài tháng sau đó số nợ lên gần 10 triệu đồng.

Với tiền lương công nhân trên dưới 4 triệu đồng/tháng, anh không trả được nợ và bị họ đe dọa, khủng bố tinh thần. Do quá sợ, anh Tài bỏ việc trốn khỏi địa phương.

Vay “tín dụng đen” càng khổ hơn

 Công an thu giữ nhiều giấy tờ thế chấp vay vốn từ các đối tượng “tín dụng đen”.
Công an thu giữ nhiều giấy tờ thế chấp vay vốn từ các đối tượng “tín dụng đen”.

Thời gian qua, không ít con nợ trở thành nạn nhân bị đe dọa, khủng bố, hành hung, truy sát… Dù công an chưa thống kê được nhưng các vụ án do băng nhóm cho vay nặng lãi diễn ra phổ biến.

Trên TP Vĩnh Long đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng vì vay “tín dụng đen” để rồi lâm vào cảnh sống ngày ngày nơm nớp lo sợ họ đến đòi nợ.

Chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị N. (Vĩnh Long) thì nhà khóa cửa, chốt cài bên trong im ỉm. Gọi mãi mới có người đàn ông ra mở cửa với bộ dạng rất sợ sệt.

Ông bảo sợ bọn đòi nợ đến nên hàng ngày nhà phải đóng cửa. Ông H. cho biết cuộc sống gia đình rất khó khăn, sống nhờ tiền lời bán cháo lòng hàng ngày.

Gia đình có người bệnh, do thiếu tiền nên vay nóng bên ngoài. Bán nồi cháo lời không bao nhiêu nên không có tiền trả được nợ, chỉ vài tháng sau số nợ 5 triệu đồng tăng lên gần gấp đôi cả gốc lẫn lãi, gia đình không còn khả năng để trả.

Bọn họ tên nào trông cũng rất dữ tợn và dọa giết nếu không trả hết nợ khiến cả nhà hoảng sợ. “Hiện vợ sợ quá đã bỏ nhà đi trốn.

Tui ở đây bất an, không biết chừng nào họ quay lại hành hung. Bây giờ gia đình sống trong cảnh hoang mang lo sợ bọn họ đến đòi nợ”- ông H. lo lắng.

Cùng cảnh với gia đình ông H., chị V. (Vĩnh Long) vì hoàn cảnh khó khăn buộc phải vay “tín dụng đen” 10 triệu đồng trả góp theo ngày (250.000 đ/ngày) nếu không thanh toán đúng hạn phải tính “lãi mẹ đẻ lãi con” cộng tiền phạt. “Khi cho vay thì chúng chặn lấy trước tiền gốc, lãi 2 ngày là 500.000đ.

Do không có khả năng thanh toán đúng hạn, kéo dài hơn 1 năm, họ tính tui còn nợ gần 70 triệu đồng. Trước đó, tui trả gốc, lãi tính ra cũng được hơn 20 triệu đồng”- chị V. cho biết.

Tương tự, chị N. (Long Hồ) nhiều lần bị đối tượng “xã hội đen” đến nhà uy hiếp, đe dọa vì trót vay tiền “tín dụng đen”.

Chị N. cho biết, ngọn nguồn từ một lần gặp tấm quảng cáo dán trên cây ven đường cho vay vốn mà không cần thế chấp tài sản.

“Biết lãi suất cao nhưng đang lúc gia đình túng thiếu nên điện thoại liên hệ vay 10 triệu đồng. Khoảng hơn tiếng sau họ đến, đưa tiền tại nhà.

Trả lãi gần 1 năm rồi mà họ tính như thế nào tui còn nợ 20 triệu đồng. Những lúc không tiền trả đúng hạn, bọn họ đến hăm dọa, khủng bố tinh thần.

Biết gặp phải bọn “xã hội đen” cho vay nặng lãi, tui phải hỏi mượn người thân, bán tài sản trong nhà gom góp trả hết 20 triệu đồng mới được yên thân”.

Công an các địa phương khuyến cáo người dân không nên tin tưởng những tờ rơi quảng cáo cho vay vốn mà không cần thế chấp dán trên cột điện hay trên cây.

Đây là loại hình “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất rất cao và khi người vay không còn khả năng thanh toán thì chúng sẵn sàng dùng bạo lực trấn áp, uy hiếp tinh thần, thậm chí bắt người.

Trước tình trạng hoạt động “tín dụng đen”, Đại tá Phạm Văn Ngân- Phó Giám đốc Công an Vĩnh Long chỉ đạo công an các đơn vị cần tăng cường nắm tình hình, kịp thời điều tra, xử lý nghiêm các vụ cho vay nặng lãi, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, thông báo điện thoại đường dây nóng số 02703 877177 của Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh để người dân phát hiện tố giác tội phạm.

Bài, ảnh: NGỌC THUẬN