Cổng cưới lá dừa- nét xưa trong nhịp sống hiện đại

Cập nhật, 06:54, Thứ Hai, 23/01/2023 (GMT+7)
Những chiếc cổng cưới lá dừa sẽ là một phần ký ức ngọt ngào trong ngày trọng đại của các cặp đôi.
Những chiếc cổng cưới lá dừa sẽ là một phần ký ức ngọt ngào trong ngày trọng đại của các cặp đôi.

(VLO) Với người dân miền Tây, đám cưới không chỉ là ngày mừng cho hai họ mà còn là sự kết nối xóm giềng. Ngày nhóm họ, bà con chòm xóm tụ họp, mỗi người một việc, dọn dẹp, trang trí hoa quả bàn thờ gia tiên, làm gà, mổ heo,... Trong đó, việc làm cổng cưới mang một nét độc đáo riêng của người miệt vườn sông nước.

Cổng cưới lá dừa làm từ những vật liệu “cây nhà lá vườn”, kiểu dáng ít theo khuôn mẫu nào. Thậm chí, cổng cưới miệt này khác miệt kia. Chủ đạo của cổng cưới là lá dừa nước, bông đủng đỉnh, cây chuối, dây bồng bông hay gần đây có thêm hoa trái...

 

“Thợ” làm cổng cưới lá dừa luôn làm nghề bằng tình yêu dành cho văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Thợ” làm cổng cưới lá dừa luôn làm nghề bằng tình yêu dành cho văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo các bậc cao niên, cổng cưới lá dừa có từ rất lâu, xuất phát từ tập tục sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên của con người. Cổng cưới đẹp không chỉ góp phần long trọng cho ngày cưới mà còn thể hiện sự tôn trọng của gia chủ dành cho khách mời.

Cô dâu Nguyễn Thị Mỹ Hằng (huyện Cái Bè- Tiền Giang) chia sẻ: “Lúc nhỏ mình được theo ông bà cho đi đám cưới. Ấn tượng đầu tiên có lẽ là cổng cưới. Thợ làm là những thanh niên khéo tay trong xóm.

Từng chiếc lá dừa được cắt tỉa gọn gàng, sắp xếp thành hoa hồng, rồng phượng…
Từng chiếc lá dừa được cắt tỉa gọn gàng, sắp xếp thành hoa hồng, rồng phượng…

Mỗi người một việc, làm mấy ngày mới xong. Bây giờ thuê mướn hết, rất tiện lợi, nhưng thật lòng mình rất nhớ đám cưới xưa. Nên mình quyết định chọn làm cổng cưới lá dừa cho ngày vui của mình như cách để nhớ về chút kỷ niệm quê mình”.

Để làm được cổng cưới cũng rất công phu. Phải đi tìm chọn từng cái cây, nhánh lá rồi về kết hình hoa, trái tim, thắt chim bồ câu để trang trí. Mà ở quê nên nguyên liệu này toàn đi xin hàng xóm láng giềng.

Thanh niên đến phụ đám từ hôm trước, người đi chặt lá, người chặt bông đủng đỉnh, ai khéo tay thì trang trí, còn lại cũng phụ hợ cho vui…

Ngày nay, cũng là cổng cưới lá dừa nhưng được đầu tư công phu hơn rất nhiều. Với đôi bàn tay khéo léo của những người thợ chuyên nghiệp cùng sự đa dạng của các nguyên vật liệu, dụng cụ hỗ trợ, chiếc cổng cưới lá dừa mộc mạc thuở nào đã được khoác “chiếc áo” tân thời, lộng lẫy, sang trọng không thua kém bất kể chiếc cổng cưới “công nghiệp” nào.

Anh Bùi Hoàng Phúc (tỉnh Bến Tre) gắn bó với nghề làm cổng cưới lá dừa cách đây hơn 4 năm. Anh cho biết: “Tôi bị thu hút bởi những chiếc cổng cưới lá dừa bình dị qua những tấm hình được lưu giữ từ đám cưới người thân”.

Tùy vào điều kiện của từng gia đình, nếu có sẵn cây dừa nước, anh Phúc và “cộng sự” sẽ đến nơi rồi tự chuẩn bị nguyên vật liệu. Trường hợp gia đình ở phố thị, không có cây dừa nước thì phải mua nguyên liệu, thuê xe tải mang đến để thực hiện.

Mỗi cổng cưới dao động từ 2 triệu đồng đến vài chục triệu đồng, tùy độ khó, khó nhất là cổng cưới rồng phượng.

Nhưng nhiều cặp đôi cho rằng, hình ảnh rồng phượng trong ngày cưới chính là để bày tỏ ước mong hôn nhân hòa hợp, bền vững, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không khí gia đình đầm ấm và bình yên.

Anh Phúc cho biết, để làm cổng rồng phượng, phải làm khung tre. Con rồng được tạo hình bằng xốp, sau đó dùng đinh nhỏ để đính các loại trái cây và hoa vào.

Thân rồng là những trái cau xếp sát nhau làm vảy, ớt dùng làm vây lưng, lá dứa làm bờm, đậu que để viền đôi mắt và miệng, củ tỏi dùng làm răng.

Cổng cưới rồng phượng có giá rất cao, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Cổng cưới rồng phượng có giá rất cao, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Nhưng khó nhất là công đoạn làm mắt rồng, mắt phượng - phải sao cho có hồn, thần thái. “Cổng rồng phượng thì có 2 dạng lá dừa và trái cây. Mà mẫu trái cây là phức tạp nhất, mất thời gian nhất.

Cổng rồng phượng trái cây lớn nhất tôi từng làm có giá tới 30 triệu đồng. Ngoài lá dừa, thì còn khoảng 15kg ớt, 12kg đậu bắp, 8 buồng cau kiểng,… hoàn thành trong 5 ngày với sự giúp sức của 7 người”- anh Phúc vui vẻ cho biết.

Anh Huỳnh Văn Hiệu (tỉnh Trà Vinh) cũng là nghệ nhân gắn bó và “chinh phục” rất nhiều loại cổng cưới lá dừa hơn 4 năm nay. Anh Hiệu chia sẻ, cổng cưới đẹp phụ thuộc vào tay nghề của người làm, sự sáng tạo để có điểm nhấn riêng.

Việc lựa chọn nguyên liệu cần có kỹ thuật như: lá dừa phải to, mướt, trái cau không già quá cũng không quá non, đậu bắp phải là những trái dài.

“Bà con Khmer Trà Vinh rất thích cổng cưới lá dừa. Nhưng khi làm sẽ khác hơn, trên cổng phải có rắn Nara lá dừa, trước cổng có thêm 2 cây chuối trổ buồng, buồng sơn màu vàng, buồng sơn màu bạc, ngụ ý cầu con cháu đầy đàn, vàng bạc đầy nhà, gia đình sung túc”- anh Hiệu cho biết thêm.

Chính sự giao thoa về văn hóa cũng góp phần làm cho chiếc cổng cưới lá dừa có thêm nhiều chi tiết đặc sắc, phong phú hơn về kiểu dáng.

Ngày nay, dịch vụ cho thuê cổng cưới đã trở nên phổ biến trong đời sống. Thế nhưng, những chiếc cổng cưới lá dừa đơn sơ, giản dị nhưng mang nét riêng của miền Tây sông nước, vẫn đang có chỗ đứng riêng cho mình; để trở thành một phần ký ức ngọt ngào trong ngày trọng đại của các cặp đôi! 

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU