Ấp Bắc: Trang sử hào hùng

Cập nhật, 12:54, Thứ Năm, 26/01/2023 (GMT+7)
 Tượng “Ba chiến sĩ gang thép” trong khuôn viên khu di tích.
Tượng “Ba chiến sĩ gang thép” trong khuôn viên khu di tích.
Cách đây 60 năm, tại một địa danh mang tên Ấp Bắc, đã chứng kiến cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch. Nhưng với ý chí kiên cường, 200 quân và dân Ấp Bắc đã đánh bại hơn 2.000 quân địch có máy bay, xe tăng, tàu chiến yểm trợ và cố vấn Mỹ chỉ huy, bẻ gãy 2 chiến thuật tân kỳ mà Mỹ áp dụng “Chiến tranh đặc biệt” trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
 
Ấp Bắc hào hùng
 
Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú (TX Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cách trung tâm TP Mỹ Tho khoảng 21km. Địa danh được biết đến không phải là danh lam thắng cảnh, mà chính nơi đây đã diễn ra trận đánh vang dội. Trận đánh mà Mỹ - ngụy tập trung tối đa lực lượng, nhằm “nghiền nát” Ấp Bắc và quân chủ lực của cách mạng miền Nam. 
Khu tái hiện hoạt động của quân và dân Ấp Bắc trong chiến đấu.
Khu tái hiện hoạt động của quân và dân Ấp Bắc trong chiến đấu.
 
Sáng sớm ngày 2/1/1963, địch mở cuộc càn quét do Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 và Chiến đoàn Bảo an thuộc tiểu khu Định Tường đảm trách. Cuộc càn quét diễn ra trong phạm vi xã Tân Phú để bao vây diệt trung đội địa phương của ta. Lực lượng của ta chỉ có Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 và Đại đội 1, Tiểu đoàn 261.
 
Khi địch chia làm 2 cánh quân tiến vào Ấp Bắc bị ta chặn đánh buộc chúng phải gọi tăng viện. Cùng thời gian này, trận địa công binh của ta dùng thủy lôi đánh chìm một tàu tại vàm Kinh 3 và bắn hỏng 2 chiếc khác. Đến 9 giờ 30 phút, địch cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc; dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Bảy Đen, ta đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công, có cả trực thăng và xe M113 yểm trợ. Sau nhiều đợt tấn công thất bại quân địch đã rút khỏi trận địa. 
 
Ông Lê Văn Vỹ.
Ông Lê Văn Vỹ.
 
Ông Lê Văn Vỹ (Hai Vỹ), sinh năm 1940, ở ấp Tân Thới, xã Tân Phú, kể lại: “Khoảng 6 giờ sáng, Chiến đoàn Bảo an mở cuộc càn quét, thì bị đại đội địa phương quân Châu Thành chặn đánh, nên bọn chúng chùn bước. Đến khoảng 9 - 10 giờ, xe lội nước M113 tiếp tục chi viện. Lúc này lực lượng ta không có súng lớn, chỉ dùng súng phóng lựu. Đến tối thì địch rút quân, quân ta thắng lợi hoàn toàn”.
 
Trong chiến thắng Ấp Bắc lừng lẫy không thể không nhắc đến vai trò của các bà: Trương Thị Nghề (Tám Nghề) - nguyên Phó Bí thư kiêm Chính trị viên Xã Đội Tân Phú năm 1963, đã tổ chức chị em phụ nữ của xã vận động ghe xuồng đưa bộ đội về căn cứ, tải thương, tải đạn, vá quần áo. Bà Nguyễn Thị Trạng, là mẹ liệt sĩ Trương Văn Hai - một tay ẵm con, một tay nấu cơm tiếp tế cho bộ đội ăn no chiến đấu.
 
“Bộ đội đến nhà khuyên gia đình tôi đi di tản, vì hôm sau địch sẽ tấn công, sợ nhân dân bị trúng đạn thương vong. Nhưng tôi quyết định ở lại và xay lúa trữ gạo nấu cơm cho bộ đội.”- bà Nguyễn Thị Trạng nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Trạng hiện không thể đi đứng.
Bà Nguyễn Thị Trạng hiện không thể đi đứng.
Ấp Bắc hôm nay
 
60 năm trôi qua, chiến trường Ấp Bắc xưa, nay đã thay da đổi thịt. Những hố bom loang lổ giờ đã được thay bằng những cánh đồng lúa xanh mướt. Tuyến đường chính từ QL1 vào trung tâm xã nằm cạnh dòng kênh nhỏ hiền hòa soi bóng rặng trâm bầu yên ả. Những ngày gần cuối năm 2022, những xe cơ giới, xe máy chuyên dùng ngày đêm rầm rì khẩn trương thi công mở rộng mặt đường để kịp tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ấp Bắc.
 
Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên gần 3ha, gồm: nhà trưng bày, khu tái hiện hoạt động của quân và dân Ấp Bắc. Có lẽ ấn tượng nhất trong khuôn viên là tượng đồng “Ba chiến sĩ gang thép” gồm các ông: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ) đã hy sinh trong chiến đấu.
Nhà trưng bày di tích.
Nhà trưng bày di tích.
Theo tài liệu nơi đây ghi lại thì ông Nguyễn Văn Đừng - một tiểu đội trưởng của Đại đội 1/261, cùng hai chiến sĩ Đỗ Văn Trạch và Hùng bí mật chiến đấu cầm cự không cho địch tiến vào trận địa rồi bất ngờ nhảy lên xe M113 ném thủ pháo phá hủy 1 xe, diệt 5 tên địch trên xe, 2 xe còn lại hốt hoảng tháo chạy trở ra. Khi ba ông quay về công sự thì bị địch chặn đánh và đã hy sinh anh dũng. Nhân dân đặt cho ba ông cái tên trìu mến và đầy tự hào “Ba chiến sĩ gang thép”.
 
Ngày 7/1/1993, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ngày 2/1 hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ kỷ niệm tại khu di tích này.
 
Chiến tranh qua đi, Đảng bộ và Nhân dân xã Tân Phú tích cực chăm lo sản xuất, đẩy lùi đói nghèo, xây dựng một vùng quê trù phú. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, quân và dân xã Tân Phú đang chung tay hướng tới xây dựng Ấp Bắc trở thành xã nông thôn mới nâng cao - kiểu mẫu.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU