"Đỡ đẻ" và nuôi cá linh non

Cập nhật, 06:08, Chủ Nhật, 23/10/2022 (GMT+7)
Cá linh là một trong các loại cá đặc trưng vùng ĐBSCL.
Cá linh là một trong các loại cá đặc trưng vùng ĐBSCL.

(VLO) Từ bao đời nay, mùa nước nổi ở miền Tây luôn mang về cho người dân nguồn thức ăn đa dạng. Trong đó, cá linh non thiên nhiên là đặc sản mang đến nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Nhưng nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng đang dần trở nên khan hiếm. Hơn 3 năm qua, mô hình nuôi cá linh non xuất hiện tại tỉnh Đồng Tháp đã mở ra hướng làm ăn mới cho bà con.

Hàng năm vào độ tháng 7 âm lịch, cá linh sẽ di chuyển theo con nước nổi, đó là cuộc hành trình dài bắt nguồn từ biển Hồ Campuchia về đến ĐBSCL.

Trong đó, huyện Hồng Ngự và Tân Hồng (Đồng Tháp) là vùng đón mùa cá linh sớm nhất. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nguồn lợi thủy sản này đang dần trở nên khan hiếm.

Xuất phát từ mong muốn phục hồi nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL, cách đây hơn 3 năm, ThS Nguyễn Hữu Tân - Phó Bộ môn Nuôi trồng thủy sản ĐH Đồng Tháp cùng nhóm nghiên cứu của mình “đỡ đẻ” và sản xuất thành công cá linh bột.

“Trước mỗi mùa nước nổi, cá linh bố mẹ được lựa chọn cẩn thận từ tự nhiên, nếu đảm bảo điều kiện sinh sản tốt thì 1kg cá bố mẹ (khoảng 12 con) có thể đẻ khoảng 500.000 - 600.000 con cá bột, đạt tỷ lệ sống thành công hơn 50 %/m2 nước và đạt năng suất 4 tấn/ha chỉ sau 2 tháng thả nuôi, kích cỡ đạt chuẩn của cá linh non là 500 - 600 con/kg”- thầy Tân chia sẻ.

Cũng theo thầy Tân, cá linh sống trong môi trường nước tự nhiên đã quen với dòng nước chảy cùng đặc tính đẻ trứng bán trôi nổi (nửa nổi, nửa chìm) di chuyển theo dòng nước, sau đó tấp vào bờ ao mé ruộng và nở ra cá linh con, nhưng tỷ lệ sống khá thấp.

Vậy nên, thuần dưỡng cá linh bố mẹ quan trọng nhất là tạo điều kiện thích nghi cho cá, chuyển đổi từ môi trường nước tự nhiên sang nước trong ao bằng cách sục khí ôxy, ưu tiên thức ăn là rong tảo tự nhiên trong quá trình nuôi dưỡng, cung cấp thức ăn có độ đạm phù hợp khi vào mùa sinh sản để tăng số lượng trứng và tỷ lệ sống sót của cá bột.

Anh Trần Văn Phương - chủ Cơ sở Sản xuất cá giống nước ngọt Hậu Phương, ở xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh- Đồng Tháp) bắt đầu thả nuôi thử nghiệm cá linh non, chia sẻ: “Năm đó, nhóm nghiên cứu của thầy Tân có đem cá linh bột qua ương thử trong ao của tôi, thả thí đại chứ không hy vọng nhiều, chừng đâu mười mấy ngày sau tôi thấy nó sống tốt thì gọi thầy qua xem, thành công ngoài mong đợi”.

Hiện tại, anh Phương đang sở hữu 25 ao cá các loại, chủ yếu là ao nuôi cá tra thương phẩm, năm nay anh thả nuôi thêm 6 ao cá linh. Từ giữa tháng 5 âm lịch anh Phương đã thả cá linh bột chừng 1 triệu con.

Bà con Đồng Tháp thả nuôi cá linh mang lại hiệu quả cao.
Bà con Đồng Tháp thả nuôi cá linh mang lại hiệu quả cao.

Sau 45 ngày, cá linh bột phát triển đạt cỡ 1.000 con/kg thì chính là “cá linh non”, anh Phương cũng bắt đầu cho xuất ao bán dần dần đến hết mùa nước nổi.

“Năm nay lượng cá linh non thiên nhiên về nhiều nên đụng với cá linh nuôi. Hồi giữa tháng 6 âm lịch vừa rồi, cá linh thiên nhiên chưa xuất hiện thì cá linh nuôi bán được với giá khoảng 220.000 đ/kg. Hiện tại lượng cá linh non từ các ao chỉ đáp ứng cho các chợ khoảng 200 - 300kg mỗi ngày”- anh Phương nói.

Tuy nhiên, theo anh Phương dù là cá linh non ngoài tự nhiên hay được nuôi trong ao thì chỉ có thể ăn ngon nhất là vào mùa nước nổi, vì qua lối rằm tháng 10, trời bắt đầu trở chướng thì thịt của cá linh sẽ không còn béo mềm.

Với lại, cá linh non được gọi là đặc sản không phải chỉ vì có hương vị thơm ngon mà còn là loài thủy sản chỉ xuất hiện theo mùa tại một số vùng nhất định, nên người ăn mới cảm thấy “quý” khi được ăn cá linh non vào đúng thời điểm.

Có thể thấy, thay vì chờ đợi mùa nước nổi để “săn” cá linh non như trước đây, bà con ở Đồng Tháp đã “đỡ đẻ” và nuôi loài cá đặc sản này. Tuy mô hình nuôi cá linh non vẫn còn “non”, nhưng đã giúp bà con có thêm nguồn thu nhập và cũng là một tín hiệu tích cực trong việc thay đổi hành vi đánh bắt đối với nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Bài, ảnh: Thảo Tiên